Giáo dục

Lớp học của trẻ nhập cư

Giữa TP.HCM sầm uất, nhộn nhịp lại có một lớp học tình thương lặng lẽ hoạt động, duy trì suốt 17 năm qua, bền bỉ dạy chữ cùng kỹ năng đề kháng với cái xấu cho các trẻ em nhập cư.

Mỗi ca học của cô trò Cầu Hàn kéo dài 2 giờ, năm học vì vậy trải ra đến 10 tháng - Ảnh: TƯỜNG HÂN

“Ba mẹ nó đi làm công nhân ở khu chế xuất từ 5h sáng tới 8h tối. Học ở đây không tốn tiền, thấy con bé thích lắm. Nhờ có lớp học như vầy mà mấy đứa nhỏ mới biết chữ, chứ nhà tụi nó không có khả năng xin vô trường công

Ông Thanh (quê Vĩnh Long)

Xuất hiện giữa khu vực cầu Tân Thuận 2, Q.7 (TP.HCM) vào năm 2000, lớp học Cầu Hàn trở thành mái trường thân thương của 60 mảnh đời nhỏ thuộc ba phường Tân Thạnh Tây, Tân Quy, Tân Kiểng (Q.7).

Căn nhà một lầu với hai phòng học, một phòng khách là nơi diễn ra hoạt động học tập của năm lớp mỗi ngày, từ lớp 1 đến lớp 5, dạy xuyên suốt từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ca học kéo dài hơn hai giờ.

“Học lực của các em học sinh nhìn chung hơi yếu, nên phải nhập trường từ đầu tháng 8 để ôn tập, giúp các em theo kịp chương trình” - cô giáo Đỗ Ngọc Tuyết (62 tuổi) chia sẻ.

Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân

Không chỉ phổ cập toán, tiếng Việt, đạo đức, khoa học, lớp học còn thường xuyên có các giờ học về an toàn giao thông, quyền trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại, buôn người, lây nhiễm HIV; hướng dẫn vệ sinh cá nhân cho bé gái...

“Do phụ huynh bận đi làm cả ngày, ít có điều kiện quan tâm con cái nên chúng tôi phải dạy cho các em những kỹ năng bảo vệ bản thân” - cô Huỳnh Kiêm Tiên, quản lý dự án Cầu Hàn, chia sẻ.

Tự lập từ nhỏ, học sinh ở đây chủ động lo bữa 
trưa bằng ly mì gói, rành rọt đường đi bộ hoặc cách đón xe buýt đến trường, tự chơi đùa, học bài không có sự kèm cặp từ người lớn.

Ông Thanh (quê ở Vĩnh Long, lên TP bán vé số) đưa cháu gái tới lớp học kể: “Ba mẹ nó đi làm công nhân ở khu chế xuất từ 5h sáng tới 8h tối. Học ở đây không tốn tiền, thấy con bé thích lắm. Nhờ có lớp học như vầy mà mấy đứa nhỏ mới biết chữ, chứ nhà tụi nó không có khả năng xin vô trường công”.

Có con trai học trễ, chị Nguyễn Thị Phương nói: “Hộ khẩu nhà ở Q.7, nhưng thằng nhỏ lớn quá, đến đâu xin nhà trường cũng ái ngại, từ chối. Mình phải đem con về nhà tự dạy. Tới 9 tuổi mà nhóc vẫn chưa được đến trường.

Bực mình quá, tui làm đơn ra phường, rồi phường giới thiệu qua dự án Cầu Hàn, học miễn phí từ đó đến nay đã ba năm”.

Cứ vào đầu năm học, sĩ số cả lớp Cầu Hàn dao động từ 60-80 em, nhưng kết thúc năm học chỉ còn lại phân nửa. Một số em bỏ học, số khác lại chuyển nhà cùng cha mẹ theo chân công trình xây dựng.

Em Nguyễn Văn Anh (8 tuổi) hồn nhiên nói: “Con mới chuyển trường đến đây hơn một năm, tại nhà con không có điều kiện. Các bạn ở đây quậy nhưng dễ chơi, giỡn vui lắm”.

Ở lớp học Cầu Hàn, các em học sinh không mơ ước trở thành giáo viên, bác sĩ mà chỉ mong mở quán cà phê, tiệm làm tóc để sinh sống và làm chủ cuộc đời mình.

Phấn đấu dạy tới cùng

Dạy cho trẻ chưa đủ, lớp học còn hướng đến cả đối tượng... phụ huynh! “Thỉnh thoảng, chúng tôi mở lớp tập huấn cho phụ huynh. Nhưng cực kỳ khó để thay đổi họ, nhất là về việc đánh con. Dẫu vậy, qua cách con cái cư xử lễ phép, đi thưa về trình, phần nào khiến họ tự thấy mình phải khác đi” - cô giáo Tuyết tâm sự.

Phần lớn giáo viên ở lớp Cầu Hàn đã về hưu, nhớ nghề, nhớ trẻ, nên tận dụng thời gian nhàn rỗi đăng ký đứng lớp.

“Các học sinh ở đây rất nghịch và hiếu động. Cô giáo phải cập nhật phương pháp giáo dục mới, sử dụng hình thức kỷ luật tích cực, và phải có kỹ năng lẫn tình thương mới uốn nắn các em được.

Đặc biệt, chúng tôi nói không với roi vọt. Lỡ ở nhà các em đã bị ba mẹ đánh, đến trường còn bị cô giáo đánh thì coi như các em không thấy tương lai là gì” - cô Tiên trăn trở.

Mang nghiệp dạy từ quê hương miền Trung vào Sài Gòn, cô Tuyết khẳng định: “Tôi phấn đấu dạy tới cuối cùng, tới khi nào đãng trí thì nghỉ, khi nào trường không cho dạy thì thôi”.

Từng ngồi học trong lớp cùng cháu trai, bà Nguyễn Thị Bích Hường kể: “Nhìn các cô quản lớp mà tội nghiệp! Trong hai giờ vừa phải ổn định mười mấy bé lạo xạo, nhốn nháo vừa truyền đạt kiến thức cho học sinh ở nhiều độ tuổi và khả năng tiếp thu rất khác nhau.

Phải thật sự nhiệt tình và yêu thương trẻ mới gắn bó ở đây với mức lương thấp như vậy. Một số phụ huynh giao hẳn trách nhiệm giáo dục con cái cho trường, vì vậy các cô càng vất vả”.

Ra trường ở lớp 5, học sinh Cầu Hàn sớm đứt đường học vấn, lao vào đời làm việc. Nhưng ít nhất trong những năm tháng ít ỏi tiếp cận với kiến thức, các em được bảo vệ, dạy dỗ bởi những người thầy tử tế, giúp các em có thể đề kháng trước cái xấu lẫn cám dỗ trên bước đường rày đây mai đó.

Lập đội “Trẻ giúp trẻ”

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - phụ trách mảng trẻ em, bình đẳng giới ở UBND P.Tân Quy, Q.7 - cho biết: “Mỗi năm, phường gửi 8-9 học sinh từ 14-18 tuổi cho dự án Cầu Hàn huấn luyện cách tuyên truyền về các vấn đề phòng chống xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Từ đó lập đội “Trẻ giúp trẻ”, trực tiếp hướng dẫn cho thiếu nhi trên địa bàn kỹ năng tự vệ, nâng cao cảnh giác với tệ nạn, người lạ...

Phần lớn gia đình nhập cư chỉ cho trẻ đến trường rồi về nhà phụ cha mẹ, ít tham gia sinh hoạt cộng đồng, vì vậy rất cần thiết có đội hình trên để lồng ghép kiến thức, kỹ năng cho các em trong suốt năm học”.

Tác giả: TƯỜNG HÂN

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP