Xã hội

Lợn mắc bệnh "lọt" qua khâu kiểm dịch gây nguy hiểm thế nào?

Mấy ngày gần đây, tại Quảng Bình người dân xôn xao về lò mổ Hải Dương 1 - P. Bắc Nghĩa - TP. Đồng Hới tiến hành nổ lợn chết, lợn bị bệnh, chọc tiết lợn trên đống phân, mổ lợn dưới nền nhà siêu bẩn. Tất cả những số lợn này được cán bộ thú y Đồng Hới đóng dấu cho lưu thông ra thị trường tiêu thụ đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin.

Có hay không cán bộ kiểm dịch thú y thông đồng, tiếp tay gieo rắc mầm bệnh cho cộng đồng và giúp người dân hiểu hơn về mức độ nguy hiểm và các loại bệnh lây từ lợn sang người và cách phòng tránh. Số lợn bị bệnh từ trước đến nay tại lò mổ này được cán bộ kiểm dịch thú y "cho qua" , mặc dù chưa rõ số lợn này mắc bệnh gì, chúng đã nhanh chóng được đưa đến đã đến các quán ăn, nhà hàng và vào từng bữa ăn của các gia đình. Hiện chưa có thống kê nào về bệnh từ lợn lây sang người tại Quảng Bình. Nhưng đây là một việc làm vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Những con lợn bệnh đã âm thầm được đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm, reo rắc mầm bệnh cho cộng đồng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các cán bộ thú y này và có biện pháp chẩn chỉnh các lò mổ lợn để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Lợn bị bệnh chuẩn bị được đưa vào lò mổ ở Quảng Bình

Phóng viên báo SK&ĐS đã tìm hiểu qua nhiều chuyên gia về y tế, thú y... cho biết: Có 5 bệnh nguy hiểm lây phổ biến:

Bệnh lở mồm long móng: bệnh có thể lây sang người qua đường tiếp xúc ăn uống, virus khi lây nhiễm gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng... cho người. Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ heo mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất là phải nấu chín thịt thật kỹ để loại trừ mầm bệnh. Ăn tiết canh sống, thịt lợn tái chưa nấu kỹ, nguy cơ lây bệnh lên tới gần 100%.

Lò mổ nhếch nhác, bẩn thỉu kém vệ sinh vẫn được mổ lợn đưa ra thị trường

Bệnh viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết: là 2 căn bệnh dễ lây từ lợn. Những người bị viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus suis có thể dẫn đến tử vong từ lợn lây sang người do ăn tiết canh sống, lòng lợn, thịt không đảm bảo vệ sinh.

Nhiễm giun xoắn: đây là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Giun nhiễm từ lợn sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do ăn các món như nem sống làm từ thịt lợn, ăn thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn.

Bệnh lợn tai xanh: Đây là căn bệnh thường gây ra đại dịch và làm chết lợn hàng loạt. Bệnh lợn tai xanh không lây sang người nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm lợn, tụ huyết trùng, tả, thương hàn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh liên cầu khuẩn: là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm sang người khi ăn phải tiết canh lợn bị bệnh liên cầu, thực tế ở nước ta, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn hoặc thịt chưa được nấu chín. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn trong không khí do lợn ho hoặc người dân có thói quen ngửi thịt trước khi mua.

Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở hai thể: Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận… và tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.

Do vậy, bà con không nên ăn tiết canh sống, thịt lợn tái, ngửi hít khi mua thịt lợn và đến cơ sở y tế khám ngay khi có dấu hiệu bất thường sau khi ăn thịt lợn.

Tác giả: Trần Ánh Dương

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP