Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều tàu đánh bắt hải sản bằng giã cào hoạt động ngang nhiên trên vùng biển tỉnh Quảng Bình. Phương thức đánh bắt theo kiểu tận diệt này khiến các ngư dân vùng ven biển điêu đứng vì bị mất ngư cụ và nguy cơ mất luôn cả nguồn lợi thủy sản dồi dào.
Chiều về, ngư dân Mai Văn Hưng, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cặm cụi vá lại tấm lưới bị rách. Hai hôm trước, khi chèo chiếc thuyền nan ra biển thì anh Hưng phát hiện lưới bị xé rách, trong lưới không còn con cá nào. Cạnh đó, những chiếc tàu giã cào nhả khói đen sì, đang quần đảo liên tục.
Các ngư dân rất bức xúc trước nạn giã cào bay trên biển |
Giã cào bay hay còn gọi là giã cào đôi là cách gọi của ngư dân về những tàu có công suất rất lớn, đủ mạnh để kéo rê tấm lưới sát đáy biển. Những ngày sau Tết đến nay, các tàu lén lút hoạt động ở vùng biển sát bờ, có khi làm thâu đêm suốt sáng.
Ngư dân Trần Văn Long, ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, sau sự cố môi trường biển, gia đình anh chưa kịp vui mừng vì sự trở lại của các đàn các nục, cá trích thì đã bị loại tàu giã cào gây thiệt hại nặng.
Ông Trần Văn Long than thở, trong vòng một tháng, anh mất 4 tấm lưới đánh cá, trị giá gần 10 triệu đồng: “Cào cả lưới của ngư dân đi trong bờ mất sạch. Mong muốn nhà nước cấm. Ngư dân làm ven bờ không biết sống dựa vào gì”.
Ngư dân địa phương rất bức xúc trước sự ngang nhiên của các tàu giã cào nhưng cũng đành bất lực. Trung tá Hoàng Xuân Long, Hải đội Trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua đơn vị đã nắm bắt thông tin từ ngư dân cung cấp để phát hiện vùng tàu giã cào hoạt động trái phép, xử phạt vi phạm hành chính nhiều chủ tàu với số tiền lớn.
Đời sống nhiều ngư dân Quảng Bình phụ thuộc vào chiếc thuyền nan đánh cá gần bờ. |
“Các đơn vị biên phòng tuyến biển, đặc biệt là Hải đội 2 đã tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý rất nhiều trường hợp, giảm thiểu tình trạng đánh bắt sai tuyến, khai thác hải sản tận diệt của các tàu giã cào. Chúng tôi xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, để xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các chủ tàu đánh bắt bằng giã cào”- Trung tá Hoàng Xuân Long cho biết thêm.
Hiện tỉnh Quảng Bình có gần 90 chiếc tàu hoạt động giã cào. Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình chủ trương hạn chế phát triển tàu giã cào để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn chỉ đạo không cho phép cải hoán, nâng cấp, sửa chữa các tàu giã cào. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều chủ tàu tự ý chuyển đổi và lén lút hoạt động.
Ngư dân xã biển Hải Ninh chờ sửa lại thuyền và lưới đánh cá bị rách. |
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục Trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động, thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng nhằm hạn chế tình trạng này.
Ông Lê Ngọc Linh cho biết: "Cuối tháng 2 âm lịch, rất nhiều tàu giã cào bay ở các tỉnh phía Nam ra đánh bắt ở vùng biển gần bờ tỉnh Quảng Bình. Tàu vào đánh sát bờ cho nên phá các nguồn lợi thủy sản và ngư lưới cụ của bà con ngư dân”./.
Tác giả: CTV Thanh Tuấn
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV