Kinh tế

Lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, Ocean Group vẫn mang ‘trọng bệnh’

Nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, nợ phải thu và cho vay quá hạn lớn là những yếu tố khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã OGC).

Tập đoàn Đại Dương mới đây đã có văn bản giải trình và đưa ra ý kiến khắc phục về loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2018.

Khó khăn tứ phía

Theo kiểm toán, tính đến ngày 30/6, Ocean Group có các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai một số dự án đầu tư với số tiền nợ gốc đã bù trừ với số dư phải trả và dự phòng đã trích lập 312,7 tỷ đồng. Số tiền này đang được trình bày trên khoản mục “trả trước cho người bán ngắn hạn”, “phải thu khác” và “trả trước cho người bán dài hạn”.

Khó khăn vẫn bủa vây Ocean Group.

Tuy nhiên, tại ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ, công ty cùng các đối tác liên quan chưa cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu về các giao dịch này.

Cũng tại 30/6, các khoản hỗ trợ vốn, các khoản phải thu về chi phí sử dụng vốn đã quá hạn thanh toán và các khoản đầu tư khác được công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính theo quy định. Sau khi trích lập dự phòng và đánh giá giá trị tài sản đảm bảo, giá trị khoản hỗ trợ vốn, chi phí sử dụng vốn và các khoản đầu tư khác là hơn 117 tỷ đồng .

Nhưng cơ quan kiểm toán không thu thập được đầy đủ các bằng chứng về giá trị có thể thu hồi đối với các khoản này cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập.

Vẫn theo kiểm toán, tại ngày 30/6, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang cho vay Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tràng Tiền Nha Trang với số tiền gốc 162,2 tỷ đồng và lãi phát sinh tương ứng 35,6 tỷ đồng.

Tại ngày lập báo cáo giữa niên độ, ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang đang đánh giá khả năng thu hồi các khoản này.

Tuy nhiên, đối với số dư này, kiểm toán chưa có đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi khoản này cũng như không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.

Ngoài ý kiến ngoại trừ, kiểm toán nhấn mạnh loạt vấn đề khác tại Ocean Group. Cụ thể, hiện tài sản ngắn hạn của công ty nhỏ hơn nợ ngắn hạn 370,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế 2.899,3 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6 và 31/12/2017, công ty đánh giá khả năng thu hồi một số khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn và trả trước cho người bán dài hạn đối với một số công ty trên cơ sở bù trừ với các khoản công ty phải trả với tổng số tiền hơn 600 tỷ đồng. Mặc dù công ty chưa ký với các đối tác này thỏa thuận về việc bù trừ công nợ phải thu, phải trả phát sinh từ các hợp đồng kinh tế khác nhau.

Ngoài ra, tại ngày 30/6, công ty có thể có một số nghĩa vụ tiềm tàng theo các điều khoản ký kết trong hợp đồng nguyên tắc liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương (ORC), nay là CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce. Công ty đang trong quá trình đánh giá liệu có hay không các nghĩa vụ tiềm tàng phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc nêu trên trong BCTC hợp nhất giữa niên độ này.

Bên cạnh đó, công ty chưa thuyết minh giá trị có thể thu hồi đối với các khoản nợ phải thu, cho vay quá hạn, chi tiết cho từng đối tượng theo quy định.

Ocean Group nói gì?

Trong văn bản gửi Ủy ban chứng khoán, OGC cho biết công ty và các đơn vị thành viên vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi các khoản công nợ, bao gồm việc thuê đơn vị tư vấn luật có chức năng đòi nợ để thực hiện việc đánh giá các khoản công nợ và thực hiện các thủ tục đòi nợ theo quy định của pháp luật, đã thực hiện khởi kiện và đang xem xét khởi kiện thêm một số đối tác nhằm thu hồi công nợ.

Cùng đó, 6 tháng đầu năm, công ty đã trích lập thêm dự phòng công nợ phải thu khó đòi theo quy định hiện hành dựa trên thời gian quá hạn thanh toán của các khoản công nợ và đánh giá tình hình tài chính của các đối tượng này.

“OGC tin tưởng sẽ thu hồi được các khoản công nợ này trong tương lai, hoàn nhập các khoản dự phòng tương ứng và ý kiến ngoại trừ sẽ được khắc phục trong thời gian tới”, văn bản nêu rõ.

Liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, OGC cho biết, ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang vẫn đang tiếp tục làm việc với đối tác, khoản công nợ chưa có cơ sở để trích lập dự phòng do hai bên chưa xác định thời điểm thanh toán.

Về phương án khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và nợ, OGC cho hay công ty mẹ đang có chủ trương thoái vốn, chuyển nhượng ở một số dự án và tích cực thu hồi nợ từ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho đối tác và các khoản đã góp vốn vào các dự án đầu tư. Do đó việc OGC đánh giá báo cáo tài chính được lập trên cở sở giả định rằng OGC hoạt động liên tục là phù hợp.

OGC cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 12,68 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này do công ty đang trích lập bổ sung dự phòng. Thực tế, nếu loại trừ các khoản dự phòng này thì OGC có mức lợi nhuận đạt 51,27 tỷ đồng.

OGC cho biết thêm, trong thời gian qua, sau ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng đối với nguyên lãnh đạo của OGC từ năm 2014, OGC đã đề ra và thực hiện các biện pháp cần thiết. Do vậy, các khoản lỗ hàng năm đã có xu hướng giảm, kế hoạch sẽ có lãi trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

“OGC tin tưởng rằng tình hình tài chính của công ty sẽ có biến chuyển tích cực và các ý kiến ngoại trừ còn lại chưa được khắc phục trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018 sẽ được khắc phục trong thời gian tới”, văn bản nêu.

Tác giả: HÒA BÌNH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP