Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính hết tháng 8/2023, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 95.200 tỷ đồng), Bộ GTVT giải ngân khoảng 49.723 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỉ lệ (hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch).
Giá trị giải ngân 8 tháng qua của ngành giao thông tập trung ở các dự án cao tốc Bắc Nam, đạt hơn 36.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 74% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT.
Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án quan trọng, cấp bách khác giải ngân 547 tỷ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch năm và 60% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án ODA giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm và 99% kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án trong nước khác, giải ngân 7.870 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm và đạt 96% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các chủ đầu tư thuộc Bộ giải ngân gần 46.900 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 95% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT), đạt gần 54% kế hoạch năm và 95% kế hoạch do các chủ đầu tư đăng ký.
Một số ban QLDA có kết quả giải ngân đáp ứng hoặc cao hơn mức trung bình chung của Bộ như: Ban QLDA 2, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 6, Ban QLDA 7, Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt.
Mô hình một trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị đưa vào khai thác |
Hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố.
Đại hội Đảng XIII đề ra về đột phá kết cấu hạ tầng, phấn đấu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, có 5.000 km vào năm 2030.
Một số dự án có kết quả giải ngân chưa được như kế hoạch đăng ký như: Dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (đạt 84%); đoạn Chí Thạnh - Vân Phong của Ban QLDA 7 (đạt 83%); đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban QLDA 2 (đạt 84%); đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh của Ban QLDA 85 (đạt 85%).
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án là do công tác GPMB chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo đến nay, các địa phương đã bàn giao được hơn 90% mặt bằng cho dự án. Song, năm 2023 mới giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cũng là lý do ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của dự án.
Để tăng tốc cho dự án, với một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 như: Cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các chủ đầu tư được đề nghị chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư không đáp ứng năng lực theo yêu cầu.
Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, xác định tiến độ giải ngân vốn cho công tác giải phóng mặt bằng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, các chủ đầu tư/ban QLDA cần phối hợp với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, rà soát để điều hòa nguồn vốn GPMB dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.
Tác giả: Pha Lê
Nguồn tin: Phụ nữ số