Tuy nhiên, cũng theo số liệu của tổ chức này, Việt Nam lại đang là nước có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực, cũng như so sánh với các quốc gia khác trên thế giới. Thừa cân béo phì cũng cần xác định đúng nguyên nhân để đưa ra biện pháp hiệu quả.
Thừa cân, béo phì do nhiều nguyên nhân
Theo nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, các nguyên nhân chủ yếu của bệnh béo phì bao gồm: chế độ ăn nhiều chất béo hoặc có hàm lượng calo cao, thói quen ăn nhanh và ăn nhiều, lối sống ít vận động và ít tập luyện thể chất và cơ địa dễ tăng cân (do cấu trúc gen hoặc di truyền).
Theo một nghiên cứu đối chứng được tiến hành trên 3,135 học sinh tại 10 trường tiểu học tại thành phố Stockholm-Thụy Điển tiến hành trong 4 năm với sự can thiệp bao gồm chế độ ăn lành mạnh, các hoạt động thể chất 30 phút/ngày tại trường học và hạn chế thời gian tĩnh tại trong các giờ học. Kết quả cho thấy tỉ lệ thừa cân và béo phì tại các trường thực hiện chương trình của nghiên cứu đã giảm 3.2% so với tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng 2.8% ở các trường không thực hiện chương trình can thiệp này.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác tại 10 thành phố của châu Âu cũng cho thấy, thanh thiếu niên có thời gian ngủ trung bình dưới 8 giờ có chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index -BMI), chu vi vòng eo, chu vi vòng hông, chỉ số mỡ khối cao hơn, đặc biệt đối với nữ giới.
Như vậy, các loại thực phẩm có thể gây thừa cân béo phì như mỡ, đường, muối, và lối sống chưa lành mạnh, ít vận động cùng thời gian ngủ trung bình mỗi ngày không đảm bảo đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh thừa cân béo phì.
Người Việt Nam có béo phì?
Trong số liệu của Đài quan sát y tế toàn cầu (Global Health Observatory) thuộc Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì tại Việt Nam năm 2016 ở mức 2,4% đối với nhóm người từ 5-19 tuổi, và là 2,1% đối với nhóm người trưởng thành (trên 18 tuổi), trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan tương ứng là 11,3% và 10%. Tại các nước như Lào, Campuchia, Brunei và Thái Lan mặc dù đã áp thuế TTĐB lên nước ngọt nhưng tỉ lệ béo phì ở độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi và độ tuổi từ 18 tuổi trở lên vẫn tăng liên tục trong 16 năm qua.
Cũng trong báo cáo này, Việt Nam là nước có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ người thừa cân chiếm khoảng 10.2% dân số. Trong khi đó Thái Lan là nước đứng thứ 2 trong khu vực với tỷ lệ người thừa cân chiếm khoảng 32.2% dân số. Malaysia là nước có tỷ lệ người thừa cân cao nhất trong khu vực với mức 44.2% dân số. Tỷ lệ thừa cân, béo phì trung bình của thế giới năm 2016 là 39%.
Tỉ lệ người dân bị béo phì ở một số nước Đông Nam Á năm 2016 (%) (nguồn WHO) |
Năm 2014, Hiệp hội mía đường cũng đưa ra những số liệu về việc tiêu thụ đường/đầu người của nước ta hiện nay thuộc khung thấp, so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Theo đó, một người dân Việt Nam nạp 15kg/người/năm, trong khi đó bình quân thế giới là 23,70 kg/người/năm, một số quốc gia tiêu thụ đường cao ở mức khoảng 40-50kg/người/năm.
Mặc dù được biết đến là quốc gia có tỷ lệ vóc dáng “thon gọn” nhất thế giới, nhưng theo nghiên cứu của Đại học Stanford dựa trên thống kê từ dữ liệu điện thoại thông minh của 700.000 người tham gia, công bố vào 16/07/2017 vừa qua, Việt Nam lại là một trong những quốc gia “lười đi bộ” nhất thế giới (3.600 bước/ ngày so với trung bình thế giới 5.000 bước/ ngày).
Biện pháp hữu hiệu
Khá nhiều quốc gia có quan điểm cho rằng việc áp thuế với nước ngọt không phải là giải pháp tốt nhằm giảm hay ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì. Vì vậy, thay vì áp dụng chính sách thuế này, họ áp dụng các chính sách nhằm giảm lượng đường và chất béo trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, ban hành các qui định về dán nhãn ghi rõ thành phần dinh dưỡng như calo, protein, chất béo, đường, cholesterol, và natri, khuyến cáo đối với các sản phẩm có hàm lượng đường và chất béo cao, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về dinh dưỡng, về chế độ ăn uống lành mạnh, về thói quen vận động và rèn luyện thể lực.
Rất nhiều biện pháp khác nhau đã được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở các quốc gia, mà người dân không phải chịu thêm các loại thuế suất. Các biện pháp này không chỉ giúp người dân có các lựa chọn ăn uống lành mạnh, mà hướng đến cả lối sống lành mạnh hơn, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Nếu chỉ áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường để hạn chế tiêu thụ đối với mặt hàng này, trong khi bỏ qua các loại thực phẩm có chứa hàm lượng đường và chất béo cao khác như bánh, kẹo, kem, đồ ăn nhanh..., thì không những làm cho chính sách thuế mang tính phân biệt mà còn không đạt được mục tiêu giảm tỷ lện thừa cân, béo phì và tiểu đường trong dân.
Tác giả: AH
Nguồn tin: Báo Dân trí