Giáo dục

Lãng phí lớn khi sách giáo khoa hiện hành biên soạn chỉ dùng một lần

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các thông tư hướng dẫn, yêu cầu địa phương thực hiện lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm tính ổn định, sử dụng lâu dài, tiết kiệm, tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế, sách giáo khoa hiện nay vẫn bị nhầm thành vở viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương tổ chức thực hiện lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm tính ổn định, sử dụng lâu dài, tiết kiệm, tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.

Học sinh viết vào sách giáo khoa khiến sách chỉ dùng được một lần, rất nhanh hỏng, cũ. Ảnh: Phan Huyền

Sách giáo khoa đang được biên soạn chỉ để sử dụng được một lần

Câu chuyện giá sách giáo khoa mới cao gấp nhiều lần giá sách giáo khoa cũ vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Điều làm nhiều người bức xúc, chính là việc phụ huynh phải bỏ ra số tiền khá cao mua một bộ sách trong khi tuổi thọ của sách lại quá ngắn ngủi. Sách chỉ sử dụng được một lần trong năm học là phải bỏ mà khó có thể dùng lại như những bộ sách trước đây.

Để sử dụng sách giáo khoa mới được lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng có nhiều chỉ đạo gửi về các trường học phải hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa, khuyến khích các em giữ gìn sách giáo khoa cẩn thận.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để làm sao để sách xuất bản có thể dùng lại được nhiều lần. Các bộ sách xuất bản mới theo chương trình phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bộ sách giáo khoa vẫn được biên tập, thiết kế theo cách chỉ dùng một lần. Học sinh dễ nhầm lẫn với vở viết và vẫn viết vào sách.

Khâu thiết kế, biên soạn và thẩm định sách giáo khoa vẫn chưa phục vụ việc sử dụng sách lâu dài

Tuy đã có những chỉ đạo cụ thể nhưng thực tế, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học được thiết kế chẳng khác gì những cuốn vở bài tập.

Nhiều bài học được thiết kế theo kiểu nối ô, có kèm mô hình để nhìn hình ghi câu trả lời (chủ yếu ở sách tiếng Việt và Toán). Hay những mô hình tìm đường đi của các con vật bằng cách tính kết quả các phép tính (chủ yếu ở môn Toán).

Thiết kế các bài học kiểu như thế, học sinh chỉ cần nhìn vào hình và làm bài trực tiếp vào sách một cách rất nhanh mà không cần viết lại hay vẽ lại hình đỡ mất thời gian lại không hiệu quả (chưa nói có những bài không thể vẽ lại).

Thế nên, khi dạy đến những phần này, giáo viên vẫn thường cho học sinh làm bài trực tiếp vào sách bằng 2 cách là viết chì hoặc đặt một bìa bóng trắng lên trên rồi dùng bút viết chữ vào. Cô và trò đều lích kích soạn sửa rất mất thời gian.

Giáo viên liên tục kiểm tra, nhắc nhở nhưng khó kiểm soát trò viết vào sách giáo khoa

Để những cuốn sách giáo khoa được sử dụng lại cho những lớp sau, khi dạy, thầy cô vẫn luôn nhắc nhở học sinh ghi bằng bút chì nhưng có học sinh đã không thực hiện. Lớp học sĩ số đông, thời lượng tiết dạy ngắn, thầy cô cũng không thể kiểm soát hết từng học sinh.

Có trường học lại dùng một bìa bóng trắng để đặt lên cuốn sách. Đến phần làm bài tập thực hành, học sinh sẽ đặt tấm giấy bóng lên phần bài tập trên sách và làm bài. Cách này tuy giữ sách sạch sẽ nhưng tờ giấy bóng kiếng cứ xịch qua, xịch lại học sinh cũng rất khó thực hiện, còn giáo viên khá khó khăn khi kiểm tra kết quả.

Ngoài ra, làm bài xong các học sinh phải lấy giẻ chùi ngay phần bài vừa làm nên cuối tiết học hoặc khi về nhà cũng không còn gì để xem lại bài.

Có phụ huynh lại không đồng ý cho con ghi bằng bút chì hoặc dùng giấy bóng trắng đè lên. Có người gay gắt: "sách tôi mua, tôi muốn con ghi thẳng vào đó" nên thầy cô cũng không có quyền gì để phản đối.

Có những cuốn sách dù học sinh ghi bằng bút chì nhưng vẫn rất khó để sử dụng lại vì phải tẩy xoá phần bài làm trước đó. Do giấy trơn, láng nên việc tẩy, xoá dù là nét bút chì cũng dễ gây rách sách, nhoà chữ, nhăn nheo phần bài tập rất khó coi.

Để sách giáo khoa được dùng lâu dài, để tránh lãng phí ngân sách và cho mỗi gia đình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo thống nhất trừ khâu biên soạn sách, đề ra tiêu chuẩn thiết kế, biên soạn sách và thẩm định sách giáo khoa sao cho sách có thể được sử dụng lâu dài. Cần cương quyết loại bỏ những bài học được thiết kế như những cuốn vở bài tập để học sinh không có cơ hội viết phần bài làm vào những trang sách giáo khoa như hiện nay.

Để giữ tính chuẩn mực của sách giáo khoa thì sách không thể nhầm lẫn với vở bài tập.

Tác giả: Phan Huyền

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP