Mới đây, một thầy giáo dạy Ngữ Văn – Trịnh Quỳnh đã đăng tải một đề bài dành cho học sinh: “Hãy viết bài không giới hạn số chữ, bàn về giá trị lao động của mẹ cha trong sự thành công của bản thân ngày hôm nay”.
Ngay sau khi đề tài được đăng tải thầy giáo Trinh Quỳnh đã nhận được nhiều sự chia sẻ cũng như những bài văn đầy cảm xúc của học sinh từ khắp nơi gửi về.
Chia sẻ với PV, thầy giáo Trinh Quỳnh cho biết, thầy không nghĩ đề bài này lại hấp dẫn nhiều học sinh đến vậy, có rất nhiều bài văn đã chạm đến cảm xúc của thầy. Và thầy Trịnh Quỳnh thực sự ấn tượng với một bài văn của cô nữ sinh lớp 12A3, trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định). Bài văn viết về nghề bán hàng rong, đối với cô nữ sinh này thì nghề đó thật thiêng liêng, cao quý, đã nuôi lớn cô đến ngày hôm nay.
“Tiền bán được chẳng đáng là bao nên mẹ phải làm thêm ở quán ăn đêm. Có những hôm quán đông khách, đến hơn 23h, mẹ mới được nghỉ. Những hôm như thế, mẹ lại được mang phần thức ăn thừa của họ về cho chúng tôi.
Sau những ngày làm việc vất vả, lúc nào khuôn mặt mẹ cũng phờ phạc mệt mỏi, và thoáng chút buồn buồn. Anh hai tôi rất thương mẹ, có những khi nhụt chí, anh lại muốn bỏ học để đi làm đỡ đần cho mẹ bớt khổ. Thế nhưng, mẹ nhất quyết không cho…”, cô nữ sinh viết.
Người mẹ bán hàng rong không có ngày nghỉ lễ (Ảnh minh họa) |
Ngay sau đó, thầy Trinh Quỳnh đã đăng tải bài văn trên trang cá nhân của mình và nhận được rất nhiều bình luận từ cộng đồng mạng.
Bạn trẻ Hương Vân cho biết: “Đọc xong bài viết của bạn tôi càng hiểu hơn về giá trị lao động cũng như tình cảm thiêng liêng mà bạn dành cho người mẹ cả đời vất vả vì mình. Bài viết thật cảm động”.
Còn Long Nguyễn thì cho rằng: “Ít người nhận ra được nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ như bạn. Một bài viết chân thành, sâu sắc. Bạn khiến cho những người trẻ đã từng có cái nhìn không tốt về nghề nghiệp của bố mẹ phải suy nghĩ lại”.
Bài văn của cô nữ sinh lớp 12:
“Tôi hiểu được giá trị của lao động qua chai sần của lòng bàn tay, của những giọt mồ hôi thấm áo mẹ cha. Sinh ra trong gia đình lao động chân tay, tôi hiểu sâu sắc hơn hết lời mẹ tôi vẫn dặn: Có làm thì mới có ăn.
Để tồn tại và phát triển, mỗi con người phải tự lao động và sáng tạo rất nhiều. Và để có tôi ngày hôm nay đang trên con đường chinh phục thành công là những tháng ngày khó nhọc của mẹ.
Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần phục vụ nhu cầu của xã hội. Đó có thể là người bác sĩ tận tâm cứu chữa bệnh nhân, là anh kỹ sư xây dựng những công trình, là những người thầy cô giảng dạy cho thế hệ học sinh bài học hay.
Thế giới tôn vinh những người lao động bằng ngày kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Công nhân thế giới những thế kỷ trước đã đấu tranh để đòi quyền lao động. Nhưng vẫn có những người lao động vẫn phải làm việc không có chủ nhật, không có ngày 1/5 và không bao giờ có giới hạn 8 tiếng một ngày.
Đó là những người thợ, người phụ xây, là bác bán bánh mỳ, là bác chạy xe chở hàng. Khi nào còn công việc, họ còn làm và khi nào con cái họ còn chưa đủ tiền đóng học, họ vẫn phải tiếp tục làm việc, bất kể thời gian, bất kể nắng mưa. Mẹ của tôi là một người như thế.
Nếu có ai đó hỏi nghề nào cao quý, thiêng liêng nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là nghề bán hàng rong. Cha mất sớm khi tôi lên 2 tuổi trong một vụ tai nạn lao động.
Mẹ tôi quá đau đớn suy sụp và bà bị khủng hoảng tinh thần trong một thời gian ngắn. Dì tôi kể lại mọi người phải rất kiên trì an ủi mẹ tôi mới kiên cường vượt qua nỗi đau mà nuôi dạy những đứa con của mình.
Ấn tượng tuổi thơ của tôi là những gánh hàng nặng trĩu trên vai. Bóng dáng của mẹ có mặt từ những con phố này đến những con phố khác. Có lẽ, không có ngóc ngách nào không in dấu chân mẹ. Mẹ thay cha nuôi chúng tôi. Với tôi, mẹ không những là người mẹ vĩ đại nhất mà còn là một người bố - gánh vác trọng trách gia đình nuôi 4 đứa con ăn học.
Những đồng tiền lẻ từ mớ rau, từ những ngày lao động nhọc nhằn mẹ đã chắt chiu, chúng tôi mới có ngày hôm nay. Nhớ những ngày ấy, dù nắng mưa, mẹ tôi vẫn đều đặn đi bán hàng.
Tiền bán được chẳng đáng là bao nên mẹ phải làm thêm ở quán ăn đêm. Có những hôm quán đông khách, đến hơn 23h, mẹ mới được nghỉ. Những hôm như thế, mẹ lại được mang phần thức ăn thừa của họ về cho chúng tôi.
Sau những ngày làm việc vất vả, lúc nào khuôn mặt mẹ cũng phờ phạc mệt mỏi, và thoáng chút buồn buồn. Anh hai tôi rất thương mẹ, có những khi nhụt chí, anh lại muốn bỏ học để đi làm đỡ đần cho mẹ bớt khổ. Thế nhưng, mẹ nhất quyết không cho.
Mẹ nói: “Các con nghỉ học, chỉ giúp được mẹ ngày một ngày hai rồi sau lại khổ như mẹ, mẹ còn đau lòng hơn. Thà rằng có chút vất vả khó khăn nhưng mẹ tình nguyện làm vì tương lai các con'.
Vâng lời mẹ, anh tôi luôn phấn đấu, không ngừng nỗ lực học tập. Giờ đây, anh đã trở thành người thành đạt với thu nhập nhiều người ngưỡng mộ.
Thời gian qua đi, con cái từng bước lớn khôn, mẹ tôi vẫn thế, vẫn giấu đi những nhọc nhằn, buồn phiền để chúng tôi hạnh phúc, vui vẻ.
Có đôi lần tôi nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông hình ảnh những người bán hàng rong phải rời bỏ gánh hàng lấn chiếm vỉa hè của họ. Tôi rưng rưng nhớ tới mẹ và tôi cũng biết đằng sau những người lao động ấy là những đứa con đang khát khao học vấn.
Bỗng nhiên, tôi giật mình mà thấy rằng tốc độ thành công của chúng tôi phải nhanh hơn tốc độ già đi của mẹ. Cảm ơn mẹ đã vì con. Cảm ơn mẹ đã sinh con ra trên đời.
Đến đây, tôi mới hiểu ra thực sự ý nghĩa của lao động. Lao động không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn là ngọn lửa thắp sáng nguồn sống của mọi người. Lao động không chỉ vì nhu cầu của bản thân mà còn là biểu hiện của đức hy sinh, tình yêu thương.
Ngày quốc tế lao động không đơn giản chỉ là nghỉ ngơi để hưởng thụ thành quả, mà còn là lúc chúng ta biết đến và ghi nhớ công lao của những người chưa bao giờ biết đến ngày quốc tế lao động".
Tác giả: Mai Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin