Tin địa phương

Làng biển Quảng Bình thờ hai bộ xương cá voi dài 26 mét

Hai bộ xương cá voi khoảng 200 tuổi được người Cảnh Dương (Quảng Bình) tôn kính gọi đức ông, đức bà và lập miếu thờ.

Làng biển Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch) nằm về phía bắc, gần cuối đất Quảng Bình, cách quốc lộ 1A khoảng 2-3km. Trong tâm thức người làng, cá voi được tôn thờ thành thần, phù hộ cho người dân đi biển tai qua nạn khỏi. Hàng chục đời qua, ngư dân tôn kính thờ phụng hai bộ xương cá voi có kích thước vào hàng lớn nhất Việt Nam (26 mét), được gọi là đức ông, đức bà.

Ngư linh miếu được người Cảnh Dương xây dựng để thời hai bộ xương này nằm ngay sát bờ biển. Được cắt cử trông coi miếu từ nhiều năm nay, ông Hồ Quang Hường cho hay, cứ vào ngày rằm, mồng một hàng tháng, ông lại đến quét dọn và khói hương cho đức ông, đức bà.

Hai bộ xương cá voi được người dân Cảnh Dương lưu giữ 200 năm nay. Ảnh: Hoàng Táo

Bên trong ngôi miếu là hai bộ xương cá voi kích thước lớn, đặt trên sạp gỗ ở hai bên, chính giữa là các bát hương thờ đức ông, đức bà. Nổi bật hơn cả là bốn thanh xương hình cánh cung, đặt dựng vào tường, cao gần chạm nóc miếu, chừng 4-5m. Ông Hường nói đó là xương hàm của cá ông, cá bà.

Xếp tiếp theo là rất nhiều xương sườn, cùng xương đốt sống, xương ống, xương hình cánh quạt… Ông Hường lý giải người dân không có điều kiện xây ngôi miếu to, không hiểu biết về cấu tạo cá voi nên hai bộ xương đành xếp nằm lẫn lộn lên nhau. “Do không tránh khỏi mưa bão của vùng biển, nhiều phần xương đến nay có biểu hiện hư hỏng, mủn nát", ông Hường phân trần.

Người đàn ông tuổi lục tuần nói thật khó biết chính xác hai bộ xương này có tuổi đời bao nhiêu. Nhưng theo gia phả họ Trương của làng, cá bà luỵ vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ, đời Gia Long thứ 9, tức 1809; còn cá ông vào sau gần 100 năm, năm Đinh Mùi, đời Duy Tân thứ 16, tức 1907.

Người dân Cảnh Dương xem cá voi là thần hộ mệnh nên thờ cúng tôn kính. Ảnh: Hoàng Táo

Theo cha ông kể lại, cá ông cá bà được chôn cất theo lễ nghi làng biển ở nghĩa địa cá voi, cách ngôi miếu không xa. Sau này, người Cảnh Dương mới đưa xương cá ông, cá bà lên để thờ cúng.

Thời chiến tranh, hai bộ xương được lưu giữ trong hai ngôi nhà tranh. Trải qua bao loạn lạc, nhiều phần xương đã bị thất lạc hoặc hư hỏng. Đến năm 2004, ngư linh miếu được xây dựng và trở thành nơi thờ tự hai bộ xương cá đến nay.

Vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, người làng biển Cảnh Dương lại tổ chức lễ cầu ngư, tôn vinh cá ông cá bà, cầu cho ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, có một năm bội thu.

Bô lão Nguyễn Ngọc Liên nói người Cảnh Dương sinh ra từ biển, lớn lên làm nghề biển, sống chết gắn với biển. "Ngày trước có nhiều sự tích truyền lại cá voi cứu ngư dân cho nên người làng rất rất tôn trọng cá voi", ông Liên nói.

Hai bộ xương dự định được Sở Du lịch Quảng Bình xây nhà trưng bày, sắp xếp lại thành hình hài như con cá voi. Ảnh: Hoàng Táo

Mỗi năm có cá voi luỵ vào biển Cảnh Dương, bà con đồng lòng đưa cá trở lại biển. Chẳng may cá voi chết, người dân mai táng chu toàn như với người thân. Ông Liên nói cá voi luỵ vào Cảnh Dương báo hiệu một năm nghề biển thắng lợi nên ai cũng vui mừng. Hiện, toàn xã Cảnh Dương có gần 450 tàu cá, trong đó trên 300 tàu đánh bắt xa bờ, ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của hai bộ xương cá voi, Sở Du lịch Quảng Bình lập dự án đầu tư nhà trưng bày, sắp xếp và tái hiện hai bộ xương thành khung xương hoàn chỉnh như cơ thể ban đầu. Một số con đường làng ở Cảnh Dương được vẽ bích họa để thu hút khách du lịch. Hàng chục hộ dân được đưa đi Quảng Nam và Phong Nha học tập làm homestay để đón khách.

"Cảnh Dương có đủ cảnh quan, văn hóa, lịch sử để khai thác du lịch. Nhà nước sẽ đầu tư ban đầu, rồi kêu gọi các doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa để nâng cao đời sống người dân", ông Trần Xuân Quang, Chánh văn phòng Sở Du lịch Quảng Bình cho hay.

Cảnh Dương là một trong tám bát danh hương xưa của Quảng Bình, tức là tám địa danh văn vật nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp, làng Cảnh Dương là cầu nối giữa vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh với chiến trường Bình Trị Thiên, là cửa ngõ phía bắc giáp với đèo Ngang.

Cảnh Dương huy động sức người sức của, rào làng kháng chiến. Suốt từ ngày toàn quốc kháng chiến 1946 đến 1954, thực dân Pháp nhiều lần đánh vào Cảnh Dương nhưng đều bị đánh bật. Cảnh Dương là cửa ngõ an toàn của vùng tự do bắc Quảng Bình nối liền Thanh Nghệ Tĩnh, trở thành ngôi làng chiến đấu biểu tượng của Quảng Bình. Năm 1976, làng Cảnh Dương được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP