Tin địa phương

Lần đầu có con đường mang tên Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma ở Quảng Bình

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - Thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, người con Quảng Bình đến lúc ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc cắm trên đảo. Hôm nay, tên của anh đã được chọn để đặt tên đường ngay chính quê hương của mình.

Lễ tri ân liệt sĩ Gạc Ma tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình - nơi đặt mộ phần của Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương

Ngày 14-3, UBND phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) phối hợp với Ban liên lạc Cựu binh Gạc Ma và Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch tổ chức Lễ tưởng niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2024) và gắn tên đường mang tên Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương.

Vào ngày này, cách đây đúng 36 năm về trước, Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển khơi trong cuộc chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma.

Trong số 64 liệt sĩ anh dũng hi sinh trong trận chiếm giữ đảo Gạc Ma, tỉnh Quảng Bình là địa phương có nhiều mất mát nhất với 13 liệt sĩ. Tất cả họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Họ lên đường nhập ngũ rồi nằm lại giữa lòng biển cả.

Buổi lễ có nhiều cựu binh Gạc Ma về đây quy tụ, dâng hương tưởng nhớ 64 đồng đội đã ngã xuống giữa biển khơi lạnh lẽo

Tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc, quanh mộ phần anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - người trước lúc hi sinh tại đảo Gạc Ma, tay vẫn giữ chặt cán cờ đã vang lên câu nói: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo", 64 ngọn nến được thắp lên sáng rực.

Và cũng chính ngày này, nhân sự kiện tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, chính quyền địa phương đã trang trọng tổ chức lễ gắn tên đường mang tên Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Và việc làm này để nhắc nhở thế hệ người dân hôm nay nhớ đến tên anh, về một ký ức bi tráng không thể quên.

Tuyến đường tại tổ dân phố Mỹ Hoà, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) dài chừng 1km, chạy dọc sông Gianh rồi dẫn ra cửa biển. Càng ý nghĩa hơn, tuyến đường hướng thẳng vào ngôi nhà gắn bó tuổi thơ của Anh, như gạch nối giữa nơi sinh và hướng ra biển cả, cũng là nơi liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ đảo Gạc Ma.

Lễ gắn tên đường mang tên Liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương thu hút khá đông người dân đến tham dự, chứng kiến với niềm tự hào về người con của quê hương đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước đó, vào tối 13-3, các cựu binh, thân nhân của các liệt sĩ Gạc Ma từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị cũng đã tổ chức dâng hương, thả hoa đăng, vòng hoa trên sông Gianh để tưởng niệm, tri ân 64 liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hi sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988.

Lễ gắn tên đường mang tên Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương

Tuyến đường Trần Văn Phương

Nhà báo Phạm Phú Thép - phóng viên Báo Văn hóa kiêm Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn, người nhiều năm qua liên hệ với các cựu binh Gạc Ma ở Quảng Bình và các tỉnh lân cận - đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma, tại mộ liệt sĩ Trần Văn Phương ở nghĩa trang phường Quảng Phúc.

Và cũng chính ông Thép là người đưa ra ý tưởng đặt tên đường cho Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, rồi trình lên UBND thị xã Ba Đồn để cơ quan chức năng xem xét. Việc làm này đã được ông ấp ủ nhiều năm qua và chính hôm nay ông rất đỗi hạnh phúc khi Quảng Bình đã có con đường mang tên liệt sĩ Gạc Ma.

"Việc tên liệt sĩ Gạc Ma được đặt tên đường thì ngoài việc ghi nhận sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Văn Phương còn như một lời nhắc các thế hệ sau về nỗi đau mang tên Gạc Ma. Tên liệt sĩ bất tử thì nỗi đau Gạc Ma cũng sẽ thành bất tử, chủ quyền Tổ quốc cũng sẽ mãi mãi bất tử" - ông Thép tâm sự.

Tác giả: HOÀNG PHÚC

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP