Ngày các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại bãi đá Gạc Ma (14-3-1988, nhằm ngày 27-1 âm lịch) nên gia đình tổ tiên giỗ hàng năm vào ngày 26-1, ngày 14-3 hàng năm thắp hương ngưỡng vọng. Năm nay cũng thế, cụ Nhỏ đã vắng mặt nhân gian tròn năm, con cháu và chắt chít của cụ Nhỏ gần 100 người tề tựu về thôn quê miền cát, tổ chức cúng giỗ 64 liệt sĩ với sự cung kính ngưỡng vọng một cách chu toàn.
Theo ông Hoàng Văn Vũ, con trai cụ Nhỏ: “Cha đã về với tổ tiên tròn 1 năm, trước khi mất, cụ dặn con cháu dù có khó khăn mấy cũng không quên cúng giỗ 64 liệt sĩ đúng ngày. Vì đó là đồng đội của con trai, liệt sĩ Hoàng Văn Túy, mà cụ xem như con cháu trong nhà. Năm nay, không còn cha ở nhà, con cháu chúng tôi làm mâm cúng đủ 64 đôi đũa, 64 cái bát, 64 chén rượu tưới lên trên cát mặn quê nhà, thắp hương khấn vái mời vong linh các anh hùng liệt sĩ cùng về dự với gia đình. Không còn cha, anh em ai cũng dặn nhau phải làm chu tất, tên tuổi 64 liệt sĩ đều đọc lên để mời về cùng gia đình dự lễ”.
Cụ Nhỏ một đời tảo tần với làng cát thôn Tân Định, khi con hy sinh, năm nào cụ cũng cúng giỗ con và các đồng đội của con. Từ năm 1990, cứ 5 năm, cụ nhờ các con mua sản vật địa phương, làm giỗ 3 mâm để thể hiện lòng thành kính. Năm 2011, theo anh Vũ kể: “Năm đó nhiều tổ chức đoàn thể tặng tiền, cụ dặn cứ 5 năm làm 5 mâm cỗ gửi vọng các liệt sĩ rồi mời bà con chòm xóm đến dự. Nay các con cũng sẽ làm như thế theo lời cha dặn khi đến năm chẵn”.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, nói: “Cụ Nhỏ đã mất 1 năm nhưng tinh thần thờ phượng, khói hương 64 liệt sĩ ngã xuống ở Gạc Ma còn mãi với dân làng. Cụ là tinh tấn của gia đình, là điển hình uống nước nhớ nguồn cho người dân địa phương học tập, noi theo, tưởng nhớ đời đời về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.
Ngược vào xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh), tại thôn Hiển Lộc, gặp chị Trần Thị Liễu, vợ của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Chị Liễu kể: “Chồng tôi trước khi ra Gạc Ma là lính chiến đấu ở biên giới Tây Nam, rồi sau đi làm công tác biển đảo”. Chị Trần Thị Liễu sinh năm 1960, tham gia Binh đoàn Trường Sơn từ năm 1980-1983. Chị kết hôn với anh Nguyễn Mậu Phong năm 1984. Khoảng thời gian anh chị ở bên nhau rất ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn vài tuần sau lễ cưới và hai lần về phép của anh Phong vào năm 1986 và 1987. Anh hy sinh khi chưa biết mặt Tiến Xuân, người con thứ hai, nay đang nối nghiệp cha.
Chị Liễu và con dâu lớn, nay 2 con trai của chị đã lấy vợ, sinh 4 cháu nội |
Mất mát nhưng chị Liễu đã vượt lên số phận, ở vậy nuôi con. Con trai lớn Nguyễn Mậu Trường sau khi đi nghĩa vụ Hải quân đã ra quân hơn 15 năm nay, lấy vợ ở quê. Con út, Nguyễn Tiến Xuân được nhận vào Hải quân, làm nhiệm vụ tại Cam Ranh. “Tiến Xuân đã tốt nghiệp đại học, hiện đang học Thạc sĩ, cấp bậc đã là thiếu tá Hải quân, từng là thuyền trưởng chở hàng ra Trường Sa trong 5 năm. Nay cấp trên cho đi học tiếp để phát triển nên tôi ở nhà cũng vui mừng”.
Khi nhắc về chồng và các đồng đội, chị Liễu nói: “Mỗi lần nhà giỗ anh Phong, cũng đơm khói hương, chén bát đủ đầy cho đồng đội của anh. Căn nhà ngày đó như có các anh về cùng dự. Các con đã có vợ, sinh cháu, nén hương dâng lên báo cáo dòng máu mãi chảy không ngừng”.
Với hai gia đình có chiến sĩ hy sinh ở bãi đá Gạc Ma, tinh thần thờ phụng 64 liệt sĩ vẫn nối mãi dù cụ Nhỏ đã khuất, chị Liễu nay cũng già. Nhưng lời gửi lại cho con cháu gia đình vẫn mãi nhớ những người anh hùng hy sinh tháng 3-1988 ở Trường Sa, Việt Nam.
Tác giả: MINH PHONG
Nguồn tin: sggp.org.vn