Giáo dục

Làm sao triệt tiêu sai phạm, tiêu cực thi cử?

Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, dư luận lại dấy lên câu hỏi về sự cần thiết của kỳ thi này và làm sao để triệt tiêu những tiêu cực, sai sót, gian lận? Vấn đề này đã tồn tại hàng chục năm nay, cho thấy vẫn còn phải tiếp tục đổi mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã khép lại với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh và hơn 250.000 cán bộ, giáo viên làm công tác thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp với sự chuẩn bị kỹ của các địa phương và bộ, ngành liên quan. Tất nhiên, cũng không thể dự đoán khác được rằng năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp cũng sẽ trên 95% như 3 năm trước đây, từ khi bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Luật Giáo dục hiện hành.

Tỉ lệ tốt nghiệp ngày càng chạm đỉnh

Các kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể chia làm 3 giai đoạn: trước năm 2015, từ năm 2015-2019 và từ năm 2020 đến nay.

Những kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2014 trở về trước song hành một cách mờ nhạt trong thời gian dài với kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH). Bởi lẽ, kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp phổ thông, còn để xét tuyển vào ĐH thì bắt buộc thí sinh phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH theo phương thức "3 chung" (bắt đầu từ năm 2002). Việc tổ chức thi hoàn toàn do các Sở GD-ĐT từng địa phương chịu trách nhiệm, Bộ GD-ĐT ra đề thi chung cho cả nước.

Dù thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp nhưng trong giai đoạn này lại xảy ra những chuyện đình đám. Đầu tiên là tỉ lệ tốt nghiệp giảm rất mạnh năm 2007 - năm mà ngành giáo dục quyết liệt nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 giảm từ 94% (năm 2006) xuống chỉ còn 67%, thấp nhất trong lịch sử, đến mức Bộ GD-ĐT phải tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2 để "giải cứu".

Năm 2011 xảy ra việc 11 tỉnh ĐBSCL bắt tay nhau điều chỉnh điểm để tỉ lệ tốt nghiệp của thí sinh địa phương mình không thấp, mặc dù việc chấm thi được thực hiện theo phương thức "chấm chéo".

Năm 2012 xảy ra việc thí sinh quay được clip giám thị ném phao thi, đưa bài giải cho thí sinh tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) - được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ". Điều buồn cười là ngay khi vừa kết thúc buổi thi cuối cùng, Bộ GD-ĐT tổng kết và thông báo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 diễn ra nghiêm túc, an toàn (!).

Những năm sau đó, không rõ tình hình chống tiêu cực gian lận thi cử có hiệu quả hơn không nhưng đến kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, tỉ lệ tốt nghiệp cả nước đã cán mức kỷ lục 99,09%. Trong đó, gần 20 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ... 100%!

Hơn 250.000 cán bộ, giáo viên làm công tác thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đổi mới lại thêm sai phạm, tiêu cực

Từ năm 2015, hai kỳ thi song hành được hợp nhất thành một là kỳ thi THPT quốc gia, do Bộ GD-ĐT chủ trì.

Kỳ thi THPT quốc gia đã tách thi và xét tuyển thành 2 khâu riêng biệt, đảm nhận 2 mục tiêu là vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT (thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ hàng chục năm trước đó) và làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển (thay cho kỳ thi tuyển sinh "3 chung" tồn tại từ năm 2002-2014). Tuy thống nhất thành một nhưng về cốt lõi thì kỳ thi gồm 3 khâu liên quan mật thiết với nhau để đáp ứng cả 2 mục tiêu nêu trên, đó là: tổ chức thi; đề thi và chấm thi; xét tuyển.

Năm đầu tiên 2015 có 2 loại cụm thi là cụm liên tỉnh dành cho các thí sinh thi để xét tuyển vào các trường ĐH, do một số trường ĐH chủ trì. Các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ thi tại cụm tỉnh được tổ chức tại địa phương do các Sở GD-ĐT địa phương chủ trì. Năm 2016 cũng có 2 loại cụm thi nhưng được gọi là cụm thi ĐH (do các trường ĐH chủ trì, Sở GD-ĐT phối hợp) và cụm thi tốt nghiệp (do các Sở GD-ĐT chủ trì).

Theo xu thế này, những tưởng vai trò tổ chức thi của các trường ĐH sẽ được tiếp tục tăng lên. Không ngờ, năm 2017, việc tổ chức thi được giao lại hoàn toàn cho các Sở GD-ĐT địa phương. Các trường ĐH chỉ đóng vai trò phối hợp, thực chất là chỉ tham gia coi thi và giám sát. Cũng từ đó, số lượng thí sinh bị kỷ luật giảm rõ rệt! Sự kiện đình đám nhất trong giai đoạn thi tốt nghiệp 2015-2019 là vụ tiêu cực chấm thi "động trời" tại một số địa phương phía Bắc như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La…

Điều nghiêm trọng là những tiêu cực này xảy ra ngay từ Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh chứ không phải là sai phạm riêng lẻ của thí sinh hay cán bộ coi thi. Hậu quả của sai phạm tuy không quá lớn nhưng cũng ảnh hưởng đến việc xét tuyển của một số trường ĐH liên quan đến các thí sinh được nâng điểm.

Theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019, từ năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp trở lại tên gọi như trước năm 2015. Chỉ khác là mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp ngoài việc dùng để xét tốt nghiệp còn dùng để đánh giá kết quả dạy và học, đồng thời làm cơ sở cho các trường ĐH xét tuyển. Hiện phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vẫn là phương thức quan trọng nhất, chiếm xấp xỉ khoảng 50% chỉ tiêu xét tuyển của các trường ĐH.

Kỳ thi tốt nghiệp theo Luật Giáo dục hiện hành chỉ mới thực hiện từ năm 2020 nhưng chỉ một năm sau đã xảy ra sai phạm trong việc ra đề thi, xuất phát ngay từ Ban Đề thi của Bộ GD-ĐT. Năm 2023 này, sai phạm thi cử lại được phát hiện là để lọt đề thi toán, ngữ văn từ phòng thi rồi phát tán trên mạng xã hội trước giờ kết thúc làm bài thi...

Những vụ tiêu cực thi cử chấn động

. Năm 2011: 11 tỉnh ĐBSCL bắt tay nhau điều chỉnh điểm để nâng tỉ lệ tốt nghiệp.

. Năm 2012: Giám thị ném phao thi, đưa bài giải cho thí sinh tại Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang).

. Năm 2019: Tiêu cực chấm thi tại một số địa phương phía Bắc như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La...

. Năm 2021: Sai phạm trong việc ra đề thi xuất phát từ Ban Đề thi của Bộ GD-ĐT.

. Năm 2023: Đề thi toán, ngữ văn lọt ra từ phòng thi và phát tán trên mạng xã hội từ rất sớm.

Tác giả: TS Nguyễn Đức Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP