300 tỷ đồng/năm – đây là con số giảm chi cho dịch vụ nội soi tai mũi họng khi áp dụng giá mới tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 37 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ y tế kể từ ngày 30/5 vừa qua.
Với quy định mới này, tiền khám bệnh đã giảm từ 4.800-5.900 đồng ở các hạng bệnh viện. Một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi tai mũi họng giảm hơn 2 lần.
Tuy nhiên, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này vẫn chưa giải quyết được nhiều bất cập của việc tăng giá dịch vụ y tế, mà từ đó dẫn đến khó kiểm soát hết tình trạng lạm dụng, lãng phí Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đang nhức nhối.
Người dân, BHYT phải chi trả cho những khoản mà thực tế bệnh nhân không được hưởng hoặc không cần đến |
Hơn nửa tiền giường để chi cho nhân viên y tế
Một khảo sát của BHXH cho thấy, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai và Kon Tum, người bệnh mắc các bệnh mạn tính về khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống, đau vai, cánh tay… đều được vào chỉ định vào nội trú rất dài ngày. Thậm chí có tình trạng bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân ra viện một vài ngày rồi quay lại nhập viện để tránh vượt trần.
“Một trong những lý do là trong tiền giường 56% là lương của nhân viên y tế. Như vậy, nếu cho bệnh nhân vào nhiều, giữ lại càng lâu thì tiền thu về càng nhiều thì càng có nguồn để chi lương. Trong khi đó, chi phí thực tế đối với các bệnh nhân nhẹ lại ít nên cơ sở y tế còn có thể thu thêm được các khoản chênh lệch đó”, đại diện BHXH giải thích.
Trong chi phí tiền giường còn kết cấu cả chi phí khấu hao, bảo dưỡng dựa trên giá trị của trang thiết bị, tính cả tiền điện, tiền điều hoà… Đại diện BHXH cho rằng, mức chi phí và khấu hao này là khác nhau giữa các bệnh viện, có nơi thậm chí không dùng điều hoà nhưng vẫn tính vào, gây ra lãng phí. Nói cách khác, người dân, BHYT phải chi trả cho những khoản mà thực tế bệnh nhân không hề dùng đến.
Ngoài ra, qua công tác giám định, kiểm tra, cơ quan BHXH còn phát hiện có tình trạng một số bệnh viện kê thêm nhiều giường bệnh so với giường kế hoạch được giao để đưa nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú nhằm tăng số ngày giường bệnh thanh toán với cơ quan BHXH.
Chuyện bệnh viện cơi nới tận dụng hành lang, gầm cầu thang làm buồng bệnh không phải là hiếm gặp. Trong khi đó, số lượng nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân lại hạn chế dẫn đến hệ luỵ kép: người bệnh không được chăm sóc đến nơi đến chốn.
Tính thêm 1 ngày, tiền giường tăng 2.000 tỷ đồng
Qua hơn hai năm thực hiện giá dịch vụ y tế kết cấu đủ tiền lương và phụ cấp nhân viên y tế, tổng chi tiền giường năm 2017 gấp gần hai lần so với năm 2016, gấp gần 4 lần năm 2015. So với năm 2015, số bệnh nhân vào nội trú năm 2017 tăng gần 4 triệu lượt tương ứng với 23 triệu ngày nằm viện, tiền giường tăng 13.360 tỷ đồng.
Tổng chi tiền giường năm 2017 chiếm đến 27,3% tổng chi nội trú trong khi năm 2015 chỉ bằng 11,8% tổng chi nội trú. Tại nhiều bệnh viện, tiền giường chiếm đến 70% tổng chi, gấp 2 đến 3 lần so với tiền thuốc.
Nhiều tỉnh chi bình quân tiền giường cao hơn tiền thuốc như Cao Bằng (gấp 1,67); Bắc Kạn (1,59 lần); Tuyên Quang (1,49 lần); Bắc Giang (1,6 lần); Thái Bình (1,61 lần); Hà Nam (1,87 lần), Nam định (1,81 lần); Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng (gấp hơn 2 lần).
Trong khi đó, theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu mỗi giường bệnh giảm được 2.000 đồng/ngày đêm thì mỗi năm quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được 200 tỷ đồng. Và việc quy định tính thêm 1 ngày điều trị (ngày làm thủ tục ra viện) làm tăng chi tiền giường năm 2016 thêm trên 2.000 tỷ đồng. BHXH cho rằng, cách tính này không hợp lý bởi thực tế bệnh nhân nhập viện chủ yếu vào thời gian buổi chiều và ra viện vào buổi sáng, đồng thời ngày ra viện cũng không được chăm sóc, điều trị.
Ngoài ra, BHXH còn chỉ ra, cơ sở khám chữa bệnh là sử dụng thuốc giá cao không hợp lý. Theo đó, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại một số địa phương so với tổng chi thuốc còn cao, thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 38% tổng chi. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, đóng gói ít cạnh tranh, giá cao vẫn còn; các thuốc hỗ trợ điều trị vẫn chiếm tỷ lệ.
“Chúng tôi đề nghị thanh toán phải dựa trên thực tế sử dụng. Các bệnh viện phải đủ định mức về nhân lực, về bác sĩ và điều dưỡng để phục vụ cho người bệnh chứ không phải là kê bao nhiêu giường thì thanh toán với BHXH bấy nhiêu. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục kiến nghị với Bộ Y tế, trong trường hợp không đồng thuận được thì sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn”, đại diện BHXH cho hay.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí