|
Báo cáo của Jetro cho biết, có khoảng 70% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động, cao hơn tỷ lệ 66,6% năm 2016 và cao hơn so với các quốc gia khác.
Trong hơn 650 doanh nghiệp trả lời khảo sát, tỷ lệ trả lời “có lãi” là 65,1%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với khảo sát năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp trả lời “lỗ” là 19,4%, giảm 5,7% so với năm trước.
Một trong những thuận lợi trong môi trường đầu tư được các doanh nghiệp Nhật đánh giá cao ở Việt Nam đó là chi phí nhân công rẻ. Số liệu về số tiền thực chi trong một năm trên một nhân công trong báo cáo của Jetro cho thấy rõ về điều này.
Ở khối chế tạo, tổng số tiền chi bình quân cho một kỹ sư người Việt Nam vào khoảng 7.315 USD. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật trả cho một kỹ sư Singapore lên tới 46.373 USD, tức là gấp 6,3 lần. Tương tự ở Trung Quốc là 14.903 USD, Thái Lan (12.599 USD), Malaysia (12.179 USD), Ấn Độ (8.453 USD), Indonesia (8.066 USD)…
Vẫn ở khối chế tạo, tổng số tiền chi cho người Việt Nam ở vị trí công nhân là 3.673 USD, còn ở Singapore là 26.516 USD, tức là cao gấp 7,2 lần. Chi cho người Trung Quốc là 10.131 USD; Thái Lan (6.997 USD); Malaysia (5.900 USD); Indonesia (5.421 USD); Philippines (4.102 USD), Ấn Độ (3.982 USD)…
Ở vị trí quản lý thuộc khối chế tạo, người Việt được trả 15.218 USD, trong khi đó người Singapore nhận được 70.387 USD, cao gấp 4,6 lần. Còn người Thái Lan được trả 26.304 USD; Trung Quốc (25.093 USD), Malaysia (24.174 USD)…
Chi phí nhân công năm 2017 của doanh nghiệp Nhật (số tiền thực chi). Trong ngoặc là số DN trả lời. Đơn vị: USD. |
Tại khối phi chế tạo, tổng số tiền chi cho một nhân viên Việt Nam là 8.487 USD, trong khi đó cao nhất vẫn là cho người Singapore với 38,234 USD. Tiếp đến là người Trung Quốc với 17.674 USD, Malaysia (13.709 USD); Thái Lan (11.880 USD)…
Nếu ở vị trí quản lý, doanh nghiệp Nhật chi bình quân 20.267 USD cho một người Việt Nam, trong khi đó trả 68.989 USD cho người Singapore, trả 35.339 USD cho người Trung Quốc, 28.280 USD cho người Malaysia…
|
Đáng lưu ý, mặc dù khẳng định chi phí nhân công Việt Nam có lợi thế rẻ song báo cáo cũng chỉ ra rằng: “Chi phí nhân công tăng cao” vẫn là rủi ro lớn nhất. Năm 2017, chi phí nhân công tại Việt Nam tăng 8,4% so với năm 2016, xếp thứ 3 về tốc độ tăng trên tổng số 12 quốc gia được khảo sát.
Ngoài ra báo cáo cũng cho biết các vấn đề về mặt hành chính như “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng”, “cơ chế thuế, thủ tục thuế”, “thủ tục hành chính phức tạp”, tiếp được nhiều doanh nghiệp chỉ ra là những vấn đề cần phải được nhanh chóng cải thiện. Tuy vậy, với 70% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng thì “Việt Nam vẫn tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng” của Nhật Bản.
Tác giả: Nguyễn Khánh
Nguồn tin: Báo Dân trí