Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xử lý tồn tại tại Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ (Vinawaco). |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tồn tại tại Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ (Vinawaco).
Theo đó, Bộ đã đề nghị xoá khoản nợ vay 12 tỷ đồng của Vinawaco đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng với số tiền lãi hơn 40 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết việc xử lý tài chính cho Vinawaco xuất phát từ bối cảnh khó khăn của vận tải từ năm 1995 và đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ năm 2004.
Theo Bộ này, khoản nợ 12 tỷ của Vinawaco được hình thành từ năm 1995, thời điểm đó, Tổng công ty đã tiếp nhận 3 tàu vận tải (tàu chở khách) từ Công ty Vietrancimex với giá trị 26,2 tỷ đồng (tương đương 2.250.000 USD).
Thời điểm này, Vinawaco được Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước bố trí vốn mồi nhận thay nợ từ Công ty Vietrancimex (nay là Tracimexco - Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải) gần 19,2 tỷ đồng, số tiền còn nợ lại Tracimexco khoảng 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do Vinawaco kinh doanh thua lỗ nên được sự đồng ý của Thủ tướng, Tổng công ty đã thanh lý 3 còn tàu trên. Vì bán chỉ được trên 13 tỷ đồng nên số dư nợ còn lại là 12,6 tỷ đồng khiến Vinawaco không có khả năng thanh toán.
Đến năm 2005, khi thực hiện cổ phần hoá Vinawaco, Kiểm toán nhà nước đã chỉ rõ phần lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2005 là hơn 411.9 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu là hơn 250 tỷ đồng (chưa tính khoản lãi vay và chênh lệch tỷ giá của 3 tàu nạo vét của Mỹ được Chính phủ và Bộ Tài chính đồng ý chưa hoạch toán vào kết quả kinh doanh).
Với những khó khăn trên, Bộ GTVT cho biết Vinawaco không đủ điều kiện cổ phần hoá, lâm vào tình trạng phá sản.
Vinawaco từng được đồng ý xoá nợ?
Trong bối cảnh Vinawaco chìm trong khó khăn, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng xử lý tài chính hỗ trợ giúp Tổng công ty khắc phục khó khăn đủ điều kiện để cổ phần hoá, sắp xếp lại doanh nghiệp.
Đối với khoản nợ do nhận bàn giao 3 tàu vận tải từ Vietrancimex, Bộ GTVT cho biết Bộ Tài chính có công văn “đề nghị Bộ GTVT phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm khoản nợ vay 3 tàu với trị giá 19 tỷ đồng đã được lên lưới thanh toán giai đoạn 2 và khoanh nợ từ năm 1997...”.
Căn cứ vào quyết định trên, Bộ GTVT có công văn 7052/GTVT- TC ngày 8/12/2004 gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép xoá khoản nợ trên theo Quyết định 149/2001/QĐ –TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Ngân hàng nhà nước, tại công văn số 296/NHNN-TD ngày 6/4/2005 cũng trình Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Vietcombank xử lý khoản nợ tồn đọng trên (gồm nợ gốc và nợ lãi).
“Về nguồn xử lý xoá nợ gốc trên Ngân hàng thương mại quốc doanh được hoạch toán trừ vào nguồn Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cho các ngân hàng thương mại quốc doanh để cho vay thanh toán nợ”, văn bản Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Như vậy, tổng hợp các ý kiến nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn nêu rõ: “Đồng ý Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý tồn tại của Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ và đề nghị của Ngân hàng Nhà nước”.
Tuy nhiên theo Bộ GTVT, đến ngày 7/3/2018, Ngân hàng Nhà nước lại có công văn về việc xử lý tồn tại của Vinawaco gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó, Ngân hàng nhà nước trích dẫn một số điều khoản tại Quyết định số 736/QĐ-NHNN ngày 23/5/2005 cho rằng:
“Đối với số nợ gốc, Vietcombank hạch toán số nợ gốc được xử lý nêu trên ra theo dõi trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để tiếp tục theo dõi thu hồi nợ.
Đối với số nợ lãi, Vietcombank xử lý theo quy định hiện hành để xoá số nợ lãi phát sinh, từ số nợ gốc theo quyết định của Thống đốc ngân hàng nhà nước”.
Vietcombank TP.HCM không thông báo và không đối chiếu công nợ
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã đề cập đến trách nhiệm một phần trách nhiệm từ Vietcombank TP.HCM.
Cụ thể như việc xoá nợ từ năm 2005, đến năm 2015 khi Vinawaco thực hiện cổ phần hoá thì Ngân hàng không đòi nợ, không thông báo nợ, không đối chiếu công nợ. Thậm chí, khi rà soát trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam để xem xét cấp tín dụng cho Vinawaco cũng không có thông tin nào về khoản nợ xấu tồn đọng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2007, khi cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng cũng không thông báo, không đối chiếu khoản nợ này với Vinawaco. Theo quy định, khi cổ phần hoá doanh nghiệp phải đối chiếu tất cả các khoản nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Đến năm 2016, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM mới thông báo về khoản nợ 12,6 tỷ đồng tại ngân hàng này.
Như vậy theo Bộ GTVT, trong quá trình suốt 10 năm (2005-2015), việc không thông báo nợ, không đối chiếu công nợ, không đời nợ thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, đến nay Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ đã thực hiện cổ phần hoá, để không ảnh hưởng vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xử lý dứt điểm khoản nợ đã được xoá nêu trên. Trong đó, tiền nợ gốc là hơn 12 tỷ đồng, tiền lãi là hơn 40 tỷ đồng.
Tác giả: Nguyễn Khánh
Nguồn tin: Báo Dân trí