Hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên các cấp sẽ có sự điều chỉnh từ ngày 20.3.2021. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn |
Muốn tăng lương phải đủ điều kiện về chứng chỉ
Đầu tháng 2.2021, Bộ GDĐT ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập. Một trong những điểm mới của chùm thông tư này là không còn yêu cầu giáo viên phải nộp chứng chỉ tin học và ngoại ngữ khi thực hiện xét, thi nâng ngạch, thăng hạng. Giáo viên chỉ cần có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định.
Dù đến 20.3 chùm thông tư mới có hiệu lực, nhưng những ngày qua giáo viên đã nhận được nhiều thông tin từ các trường cao đẳng và đại học sư phạm ở các địa phương, mời chào tham gia các khóa học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Giá mỗi khóa học từ 2,2-2,8 triệu đồng. Đặc biệt, điều khiến tâm lý giáo viên xáo trộn là mỗi nơi đưa ra một chỉ dẫn, kèm theo những thông tin tư vấn như: “Không đi học sẽ không được thăng hạng, thậm chí bị tụt hạng, bị giảm lương”.
“Hiện chúng tôi rất hoang mang. Dù đang công tác ở Hà Nội, nhưng những ngày qua có nhân viên trung tâm đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Huế mời chào chúng tôi đi học. Thời gian cho mỗi khóa học có thể linh động, hoặc học theo hình thức online (trực tuyến). Ai cũng lo nếu không có chứng chỉ thì bị tụt hạng, phải đổ xô đi học để cố giữ hạng, giữ lương” - cô N.A.T (giáo viên tại Hà Nội) cho biết.
Báo Lao Động cũng nhận được những kiến nghị của tập thể giáo viên hợp đồng vừa được xét đặc cách, tuyển dụng chính thức theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ. Hàng nghìn giáo viên hợp đồng của Hà Nội đã được tuyển dụng chính thức vào cuối năm 2020, theo tinh thần của công văn 5378. Chỉ có điều, họ phải quay về “điểm xuất phát”, dù đã có thâm niên đứng lớp trên 20 năm, nhưng khi được tuyển dụng thì được bổ nhiệm vào hạng thấp nhất. Với giáo viên mầm non, tiểu học là hạng IV, nhưng trong chùm thông tư mới của Bộ GDĐT vừa ban hành, hạng thấp nhất là III.
“Chúng tôi có được chuyển ngang sang hạng III không, hay phải đi học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng?”, “Muốn được thăng hạng, thì các quy định trong thông tư đều yêu cầu giáo viên phải có một thời gian nhất định giữ hạng. Chúng tôi đã công tác lâu năm rồi, có người đã hơn 20 năm trong ngành mà không được vào biên chế.
Thiệt thòi, đi đòi quyền lợi, đến tháng 9.2020 mới được xét đặc cách, được tuyển dụng chính thức. Nếu theo quy định mới thì phải đi học và có chứng chỉ chứng danh nghề nghiệp trong, đã giữ hạng trong khoảng thời gian từ 36 tháng đến 9 năm (tùy theo từng đối tượng giáo viên), tính từ ngày được tuyển dụng chính thức thì mới được thăng hạng. Nếu như vậy là thiệt thòi cho giáo viên chúng tôi”. Đây là một trong rất nhiều ý kiến của giáo viên mà Báo Lao Động nhận được những ngày qua liên quan đến các quy định mới về thăng hạng, bổ nhiệm chức danh cho giáo viên.
Cũng theo ghi nhận của Lao Động, những ngày qua, không chỉ giáo viên ở Hà Nội mà nhiều nơi khác đang phải nháo nhào đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Tại Quảng Ninh, giáo viên cũng cho biết họ nhận được nhiều thư mời chào đi học từ các trường, trung tâm.
Theo thông báo gửi tới các trường của Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục liên tục mở các lớp đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khi tuyển đủ số lượng theo yêu cầu của Học viện Quản lý giáo dục. Kinh phí cả khóa là 2,5 triệu đồng/người. Do tình hình dịch COVID-19, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, nên các lớp học sẽ được tổ chức học online.
Một số giáo viên ở TP.Hạ Long và các huyện, thị, thành phố khác của Quảng Ninh cho biết, do thông tư trên có hiệu lực từ 20.3.2021, nên vội đăng ký học, bởi thời gian không còn nhiều. Hơn nữa, nhu cầu học chắc sẽ rất lớn, nên không chậm chân sợ không còn chỗ.
“2,5 triệu đồng cho một khóa, lại học online nên cứ đăng ký học cho chắc ăn thôi. Không đăng ký học, mà đến 20.3 tới chưa có chứng chỉ thì không biết sẽ thế nào” - một thầy giáo ở TP.Hạ Long cho biết.
Giáo viên hãy bình tĩnh
Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh - quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã có từ trước và cũng đã có nhiều giáo viên trên toàn quốc đăng ký học. Tuy nhiên, có thể thông tư mới này của Bộ GDĐT ghi “hiệu lực từ 20.3.2021” nên các thầy, cô lo lắng vì thời gian còn quá ngắn. “Chúng tôi sẽ có trao đổi, xin ý kiến thêm với Bộ GDĐT để có hướng dẫn cụ thể, phù hợp cho giáo viên” - bà Thúy cho biết.
Theo bà Vi Bích Hạnh - Trưởng phòng GDĐT TP.Hạ Long - các thầy, cô nên bình tĩnh, chờ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan liên quan trước khi đăng ký học. Phòng sẽ đề xuất với Sở GDĐT để sớm họp bàn về vấn đề này để giáo viên yên tâm.
Trước những lo lắng, sốt sắng đăng ký học của các giáo viên, một số phòng nội vụ các địa phương đề nghị đợi hướng dẫn của các sở, ngành cấp liên quan để đăng ký học cho đúng chứng chỉ, đúng cơ sở được cấp phép đào tạo và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, cho đến chiều 28.2, nhiều giáo viên vẫn tiếp tục đăng ký, nộp tiền để được học sớm. Bởi theo họ, những lời khuyên “bình tĩnh” của các sở, ngành liên quan vẫn chỉ qua truyền miệng, chứ chưa có bất kỳ công văn chính thức nào.
Với họ, nộp tiền rồi, nếu được học thì cứ học. Điều mà nhiều thầy cô phân vân về chất lượng đào tạo bởi chỉ học online. “Nhưng có khi thế cũng tốt vì nếu phải đến lớp thì không biết sẽ sắp xếp thời gian ra sao do phải học quá nhiều, lại còn phải dạy nữa. Lần đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ trên Hà Nội, chúng tôi đã phải vất vả ngược xuôi thế nào…” - cô L.T.K ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chia sẻ.
Trước những lo lắng, tâm tư của giáo viên, đặc biệt là việc các thầy cô “chạy đua” đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung trong Luật Viên chức, đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành Giáo dục.
Nghị định 101 ngày 1.9.2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 điều 26).
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng cho hay, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.
“Các thầy cô bình tĩnh, đừng vội vàng đi học. Đối với những thầy cô còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, cần đợi đến khi có hướng dẫn cụ thể của bộ, sở, phòng GDĐT, tránh tình trạng lo lắng khi thấy có một số trung tâm quảng cáo, mời chào học để trục lợi”- đại diện Cục Nhà giáo nhấn mạnh.
Cần tiếp tục kiến nghị bỏ “giấy phép con” Từ năm 2019 đến nay, phóng viên Báo Lao Động đã có nhiều loạt bài điều tra, chỉ rõ những góc khuất, gian lận trong các kỳ thi chứng chỉ. Chúng tôi đã có những ngày theo chân giáo viên để chứng kiến và “nếm” những “đoạn trường” trong công cuộc thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Từ thực tế ghi nhận, chúng tôi đã kiên trì kiến nghị cần loại bỏ 3 loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp trong nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng. Việc yêu cầu một thứ không gắn với chuyên môn, công việc hằng ngày của giáo viên, công chức, viên chức, chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ” thì tất yếu xảy ra gian lận. Đặc biệt, quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, cào bằng, khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Những “giấy phép con” đó đã tạo ra những hành vi tiêu cực để “đạt chuẩn” theo yêu cầu. Đồng thời cũng tạo “vùng đất màu mỡ” cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội. Nói một cách công bằng, Bộ GDĐT là cơ quan đầu tiên cầu thị, tiếp thu những kiến nghị của báo chí và ý kiến của viên chức trong ngành mình. Việc này thể hiện bằng việc sớm phối hợp với Bộ Nội vụ để ban hành chùm thông tư số 01, 02, 03, 04 về tiêu chuẩn, chức danh giáo viên từ mầm non đến phổ thông, trong đó có việc bỏ điều kiện chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong thăng hạng cho giáo viên trong khi viên chức các ngành khác vẫn bị yêu cầu phải có. Đặng Chung |
Tác giả: ĐẶNG CHUNG - NGUYỄN HÙNG
Nguồn tin: Báo Lao động