(Ảnh minh hoạ). |
Đại gia Parkson "sa lầy" ở thị trường Việt Nam
Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH MTV Thương mại và Bất động sản Thùy Dương chi nhánh TPHCM đã chính thức phát thông báo trung tâm thương mại Parkson Flemington tại số 184 Lê Đại Hành (quận 11, TPHCM) ngưng hoạt động kinh doanh vào cuối tháng 1/2018, sau 8 năm hoạt động.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Parkson đã dừng 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, TPHCM) đóng vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016.
Sau khi đóng cửa trung tâm ở Lê Đại Hành, hệ thống Parkson tại TPHCM còn 4 trung tâm thương mại và riêng tại Hà Nội đã không còn sự hiện diện của hệ thống này.
Dù liên tiếp đóng cửa các chuỗi trung tâm thương mại nhưng con số lỗ của Parkson chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo công bố của Parkson Retail Asia cho thấy, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đón nhận cú sốc tài chính lớn khi công ty thua lỗ tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) trước thời hạn, chi phí cho việc huỷ hợp đồng phải chi lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Năm tài chính 2016-2017, Parkson lỗ 67 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2017, Parkson lỗ 24 tỷ đồng. Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau.
Vẫn không mất sức hút với "cá mập" ngoại
Mặc dù được ví như “vũng lầy” của Parkson nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn không hề mất đi sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chào đón nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều ngành hàng khác nhau như thời trang, ăn uống, giải trí, cửa hàng chuyên biệt,... trong đó có một số lượng các nhãn hàng đạt được thành công và tiếng vang lớn.
Nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư danh tiếng cũng tìm cách gia nhập thị trường thông qua những thương vụ đáng chú ý: Lotte và Aeon thâu tóm đất phát triển trung tâm thương mại tương lai ở Hà Nội, quỹ Blue HK đầu tư 2,5 triệu USD vào Beta Media và Central Group rót thêm 500 triệu USD cho hoạt động mở rộng. Thương vụ chào bán cổ phiếu của Vincom Retail, công ty con của chủ đầu tư lớn nhất cả nước, Vingroup, trong năm 2017 đã tạo nên kỷ lục về doanh thu chào bán lần đầu trên thị trường chứng khoán trong nước theo số liệu từ Bloomberg, góp phần đẩy chỉ số chứng khoán TPHCM lên cao nhất kể từ năm 2008.
Một ví dụ về sự đầu tư mạnh mẽ của giới đại gia bán lẻ nước ngoài có thể kể tới như chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Hãng 7-Eleven cũng vào Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới.
Thương hiệu Lotte Mart của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới.
Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, khởi đầu cho sự gia nhập thị trường bằng chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước Amazon, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) cũng lấn sâu hơn vào Việt Nam với việc mua lại Lazada.
Sôi động và lạc quan diễn ra ở khắp nơi
Trong báo cáo về triển vọng thị trường mới công bố, hãng tư vấn CBRE cho rằng, năm 2017 là một năm đáng chú ý của thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự sôi động và lạc quan diễn ra ở khắp các lĩnh vực, từ hoạt động mua bán sát nhập, dòng vốn ngoại, cho đến sự gia nhập của các nhà bán lẻ quốc tế, niềm tin của người tiêu dùng, hay nguồn cung tương lai, v.v. hứa hẹn thị trường với nhiều tiềm năng trong những năm sắp tới.
Trong báo cáo về Chỉ số Phát triển Bán lẻ thực hiện bởi A.T. Kearney (Bảng 1), thị trường bán lẻ Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6, cao hơn một số thị trường đã phát triển như Singapore, Hồng Kông và Indonesia. Đánh giá này là một trong những minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường.
Bên cạnh đó, mặc dù được nhận định là có mức độ rủi ro cao và sức hấp dẫn ở thời điểm hiện tại ở mức vừa phải, Việt Nam được đánh giá cao nhờ độ bão hòa thị trường còn thấp với khả năng tăng trưởng tốt. Mức độ bão hòa ở cả Hà Nội và TP.HCM đều thấp hơn với các thành phố ĐNA như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok.
CBRE chỉ ra rằng, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có tới 40% dưới 25 tuổi và hơn 45% có độ tuổi 25 – 54, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của khu vực. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% mỗi hai năm của thu nhập bình quân đầu người (GSO, 2016), dự kiến tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ lên tới con số 33 triệu người vào năm 2020 (BCG, 2013).
Hơn nữa, những khách hàng tiềm năng này cũng ngày càng tự tin hơn trong việc chi tiêu. Trong năm 2017, Việt Nam đạt được thêm một dấu mốc đáng chú ý đó là mức Chỉ số Niềm tin Tiêu dùng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đứng thứ 5 thế giới theo Nielsen. Chỉ số này cho thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ cũng như tâm lý lạc quan và sự sẵn lòng chi tiêu của người Việt. Trong bối cảnh khu vực, chỉ số của các nước Đông Nam Á đều khá cao, trong đó Philippines đang dẫn đầu thế giới, trong khi Indonesia xếp thứ 4.
"Sự lạc quan này đang dần chuyển thành hành vi chi tiêu. Người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển dần từ những người tiết kiệm nhất thế giới sang những người chi tiêu thông thoáng nhất. Nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy chỉ 63% người Việt lựa chọn tiết kiệm cho khoản tiền nhàn rỗi của mình, thấp hơn 13% so với năm trước. Mức độ tiết kiệm giảm đồng nghĩa với chi tiêu cho các khoản khác, bao gồm du lịch, quần áo mới, thiết bị công nghệ, nâng cấp nhà cửa và các hoạt động giải trí bên ngoài, tăng lên", CBRE cho biết.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí