Tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện, chủ trì hội nghị; cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An, đại diện Ban Giám hiệu trường Cao đảng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng; đại diện các đơn vị: Phòng GD&ĐT, Phòng LĐTB&XH, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề huyện; Hiệu trưởng các trường: PTCS, THCS, PTDTNT-THCS, THPT trên địa bàn huyện.
Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu học tiếp của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS năm học 2015 - 2016 trên địa bàn huyện có tổng cộng 1.313 em học sinh lớp 9, học sinh lớp 10 THPT 867 em, học sinh lớp 10 GDTX và học nghề 117 em, đi học Trung cấp nghề 103 em, đi học nghề ngắn hạn 32 em, đi làm 185 em. Chỉ tiêu phân luồng sau THCS đến năm 2020 là: vào THPT 65%, vào giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề 20%, học nghề ngắn hạn 11%, lao động tự do chưa có tay nghề 4%. Các chỉ tiêu hướng nghiệp, phân luồng sau THPT là: đi học đại học 20%, học nghề dài hạn 52%, học nghề ngắn hạn 9%, xuất khẩu lao động 9% và lao động tự do chưa có tay nghề 10%.
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng học sinh THCS, THPT, những khó khăn vướng mắc trong công tác phân luồng học sinh. Theo đó nội dung và giải pháp phân luồng được UBND huyện đưa ra như sau: Về nội dung phân luồng, tất cả cán bộ, giáo viên các trường THCS, PTCS, PTDTBT-THCS phải được tập huấn nghiệp vụ về công tác phân luồng, hướng nghiệp. 100% học sinh lớp 9 được tư vấn hướng nghiệp; duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 khoảng 60%; tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại Trung tâm GDTX và kết hợp với đào tạo nghề; vận động học sinh tốt nghiệp THCS còn lại tham gia học nghề ngắn hạn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị
Về hướng nghiệp, phân luồng: hướng nghiệp cho những học sinh có học lực trung bình vào học nghề dài hạn tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh, tỉnh khác hoặc tham gia học nghề tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện (sau khi sáp nhập Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề). Về các giải pháp được thực hiện như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh về công tác phân luồng học sinh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện trong tổ chức giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng quản lý công tác hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng; tạo cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về đạo tạo nghề; tiếp tục đẩy mạnh duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng dạy học.
Sau khi nghe kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, BT THCS, THPT, giai đoạn 2016 - 2020 và các ý kiến tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao ý nghĩa của buổi tập huấn và yêu cầu việc điều tra đánh giá thực trạng, cũng như thực hiện kế hoạch phân luồng cho học sinh THCS, THPT phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả trong toàn huyện; nội dung phân luồng phải sát thực, phù hợp với thực tế của địa phương và xu thế vận động của xã hội; kế hoạch phải mang tính khả thi cao, tổ chức thực hiện phải đồng bộ, phát huy tính chủ động tích cực của các cơ quan tham mưu trực tiếp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện thành công kế hoạch; phải đảm bảo các nguồn lực thực hiện kế hoạch phân luồng, đặc biệt là nguồn lực cơ sở vật chất giáo dục, dạy nghề, kinh phí, có sự phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh…
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề
Dân tộc Miền núi tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị
Qua hội nghị nhằm đánh giá các giải pháp về giải quyết nhu cầu, nguyện vọng học tập và lao động của học sinh; đảm bảo hiệu quả trong việc đào tạo chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo ngành, nghề phù hợp với địa phương và xu thế của xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục và hiệu quả xã hội, nâng chất lượng giáo dục phổ thông, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực, tránh được tình trạng lãng phí về kinh tế của gia đình và xã hội trong giáo dục, đặc biệt là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay. Việc phân luồng cũng nhằm giảm áp lực tâm lý căng thẳng về tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng, hạn chế sự mất cân đối về đào tạo./.
Tác giả bài viết: Trần Đức - Duy Thành