Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, cơ quan này ghi nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ dù không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan.
Quấy rối liên tục trong 6 tháng
Các hình thức quấy rối này hiện gây bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc hàng ngày của người tiêu dùng.
Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2018, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của cơ quan này đã tiếp nhận tới 90 cuộc gọi phản ánh bị gọi điện đe dọa, đòi nợ.
Theo đó, người tiêu dùng (chủ yếu là thuê bao của mạng Vinaphone) liên tục nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn với nội dung đề nghị trả khoản nợ. Người tiêu dùng đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng tiếp tục gọi điện nhầm.
Thời gian vừa qua có rất nhiều người bị gọi điện đe dọa, đòi nợ nhầm qua điện thoại. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ. Một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.
Làm gì khi bị đòi nợ nhầm?
Về biện pháp xử lý vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý cần xác định tên của đơn vị liên quan khi bị đòi nợ. Nếu bị đòi nợ qua điện thoại, cần yêu cầu cung cấp, nói rõ đơn vị chủ quản của khoản nợ.
Trong trường hợp nhân viên liên hệ không cung cấp hoặc không nói rõ tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, người tiêu dùng cần tìm cách nói chuyện, trao đổi để có thể xác định được tên của đơn vị liên quan. Chỉ khi có được thông tin của đơn vị này, người tiêu dùng mới có cơ sở để khiếu nại tới các cơ quan quản lý, từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở để liên hệ và hỗ trợ người tiêu dùng.
Trong quá trình trao đổi với nhân viên liên hệ, người tiêu dùng cũng cần chủ động đề nghị nhân viên xác nhận lại thông tin về việc thu hồi nợ nhầm đối tượng. Đồng thời, khi đã xác định chính xác tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, người tiêu dùng có thể tiếp tục liên hệ (thông qua điện thoại hoặc qua email) để đề nghị đơn vị này tiếp nhận và giải quyết vấn đề của người tiêu dùng.
Trường hợp đã thông báo, đề nghị mà vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người tiêu dùng có thể thực hiện khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Tác giả: Hiếu Công
Nguồn tin: zing.vn