Kinh tế

Doanh nghiệp "méo mặt" vì lỡ... khai sai tờ khai hải quan

Khi làm thủ tục hải quan, bên làm dịch vụ kê khai hải quan của một doanh nghiệp nhập khẩu đã không kiểm tra kỹ hồ sơ nên đã coi các máy mọc, thiết bị nhập khẩu dưới hình thức nhập khẩu kinh doanh phục vụ sản xuất thay vì nhập khẩu dưới hình thức cho thuê máy móc.

(Ảnh minh hoạ).

Công ty TNHH Final Vina có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ phản ánh, kiến nghị việc Công ty có sai sót trong việc khai mã loại hình nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc và đề nghị Hải quan xem xét, điều chỉnh lại tờ khai hải quan.

Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản của Công ty TNHH Final Vina đến Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo quy định.

Trước đó, Final Vina nhập khẩu máy móc, thiết bị cho 2 lô hàng từ Công ty Final Flex (Hàn Quốc) tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc với tổng số thuế nhập khẩu 2 lô hàng hơn 111,33 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 346,7 tỷ đồng. Hai lô hàng này đã được hoàn tất thông quan và đưa về công ty phục vụ hoạt động sản xuất tại nhà máy.

Điều đáng nói, gần đây, sau khi kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ nhập khẩu cùng hồ sơ hải quan, Final Vina phát hiện… khai nhầm tờ khai hải quan,

“Khi làm thủ tục hải quan, bên làm dịch vụ kê khai hải quan của chúng tôi do nghiệp vụ yếu kém, đã không kiểm tra kỹ hồ sơ nên đã coi các máy mọc, thiết bị nhập khẩu dưới hình thức nhập khẩu kinh doanh phục vụ sản xuất và đã làm thủ tục hải quan theo loại hình này”, Final Vina cho biết.

Về vấn đề này, Final Vina đã làm việc với Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc và được hướng dẫn gửi công văn hỏi Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, sau đó Tổng cục Hải quan cho biết không đồng ý cho bổ sung tờ khai hải quan và đề xuất phương án tái xuất số máy móc, thiết bị này.

“Hiện công ty chúng tôi thực sự hoang mang trước văn bản trả lời này vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của chúng tôi cũng như bên cho thuê máy móc”, Final Vina cho biết.

Theo công ty này, bản thân máy móc, thiết bị này đã được đưa vào sử dụng sản xuất và sẽ được sử dụng trong suốt thời hạn cho thuê. Việc thực hiện theo phương án tái xuất sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Ngoài ra, vì máy móc thiết bị đã đưa vào sản xuất nên sẽ không đủ điều kiện được hoàn lại thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng đã nộp cho các máy móc, thiết bị.

Trong khi đó, bên cho thuê máy móc, thiết bị phía Hàn Quốc đang hạch toán các máy móc, thiết bị này về mặt kế toán dưới dạng tài sản cho thuê và vẫn thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê máy móc, thiết bị.

Tuy nhiên, theo như tờ khai hải quan ở trên thì các máy móc, thiết bị này thuộc tài sản và thuộc sở hữu của Final Vina. Sai sót này làm phát sinh xung đột về quyền sở hữu đối với máy móc, thiết bị giữa hai bên thuê và cho thuê.

“Hiện tại giá kê khai trong tờ khai hải quan nêu trên đang được hiểu là giá mua máy móc, thiết bị chứ không phải tiền thuê máy móc, thiết bị. Do đó, giá trên tờ khai đang thấp hơn so với giá bán máy móc, thiết bị, điều này tiềm ẩn việc công ty bị coi là gian lận thương mại về giá tính thuế”, Final Vina phân trần thêm.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP