Thông tin từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), một nghiên cứu của WEF và Bain & Company cho thấy, một khi công nghệ sổ cái phân tán (distributed-ledger technologies - DLT), trong đó nổi bật là blockchain có thể giúp giải quyết một loạt các vấn đề mà các nhà xuất khẩu trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có vấn đề tài trợ thương mại (Trade Finance). Tiền ảo chỉ là một dạng ứng dụng sơ khai của blockchain, trong tương lai, công nghệ này sẽ được ứng dụng sâu rộng trong rất nhiều lĩnh vực khác.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu được áp dụng một cách rộng rãi, các giải pháp sổ cái phân tán có thể giúp thế giới có thêm 1.000 tỷ USD giá trị thương mại, bù đắp cho lỗ hổng tài trợ thương mại (Trade Finance Gap) đang gia tăng chóng mặt, dự kiến lên tới 2.400 tỷ USD vào năm 2025.
|
Hiện tại, theo ADB, lỗ hổng tài trợ thương mại toàn cầu ước tính khoảng 1.500 tỷ USD (chiếm khoảng 10% thương mại hàng hóa toàn cầu), trong đó 40% con số này là ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Trong thương mại toàn cầu, tài trợ thương mại là cần thiết để việc mua bán được thực hiện. Đó là tập hợp các biện pháp và hình thức hỗ trợ về tài chính trực tiếp hay gián tiếp cho các doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế trong lĩnh vực thương mại trong các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hay cung ứng dịch vụ. Tài trợ thương mại có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.
Theo nghiên cứu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở các thị trường mới nổi và chủ yếu là ở châu Á sẽ hưởng lợi phần lớn từ việc áp dụng công nghệ mới này. Nó cũng cho thấy tiềm năng của blockchain, không chỉ cho các thị trường phát triển và các tập đoàn lớn.
Những cơ hội to lớn có thể đến từ những hợp đồng thông minh, những bản ghi số hóa trong việc thông quan. Chúng giúp giảm nguy cơ về tín dụng, giảm phí và xóa bỏ các rào cản thương mại.
|
Nếu công nghệ DLT được thực thi, đối tượng được hưởng lợi chính là các doanh nghiệp SMEs và các thị trường mới nổi, vốn thường khó tiếp cận tín dụng để thúc đẩy thương mại.
Vấn đề tài trợ thương mại và giải pháp DLT đặc biệt quan trọng đối với các nước châu Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc và Hồng Kong, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chúng chiếm gần 3/4 tổng số giấy tờ tài liệu cho các hoạt động xuất nhập khẩu và chiếm khoản 7% (khoảng 105 tỷ USD) trong lỗ hổng tài trợ thương mại.
Theo WEF và đại diện của Bain & Company, lợi ích của việc sử dụng công nghệ DLT trong thương mại sẽ tác động tới tất cả mọi đối tượng, từ ngân hàng hàng tới doanh nghiệp, từ các chính phủ tới người tiêu dùng.
Hồi tháng 5/2018, giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên được thực hiện trên nền tảng blockchain bởi Ngân hàng HSBC và ngân hàng ING Bank áp dụng cho cho Tập đoàn Cargill. Một chuyến hàng chở đậu nành đã được vận chuyển từ Argentina đến Malaysia thông qua Cargill tại Geneva và Singapore.
|
Giao dịch được tài trợ thương mại thông qua tín dụng thư, được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng công nghệ chuỗi khối Corda của công ty phần mềm cho doanh nghiệp R3, đánh dấu một bước phát triển mới trong cách thức mua bán hàng hóa.
Với công nghệ chuỗi khối, giao dịch không còn bước đối chiếu chứng từ bằng giấy vì tất cả các bên được kết nối trên một hệ thống chung và thông tin được cập nhật liên tục và ngay lập tức. Đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa rằng các giao dịch tài trợ thương mại sẽ được thực hiện đơn giản hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và an toàn hơn.
Đây là một công nghệ lý tưởng cho các giao dịch thương mại, giúp hợp lý hóa quy trình đòi hỏi nhiều giấy tờ như trước đây vốn thường mất khoảng 5-10 ngày cho việc trao đổi chứng từ. Với công nghệ này, tất cả việc trao đổi thông tin chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet