Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (Hội nghị Trung ương 7) vào sáng nay 12-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu nêu rõ 2 vấn đề quan trọng là cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 - Ảnh: Nhật Bắc |
Về cải cách chính sách tiền lương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ: Đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo; và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc.
Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm đối với một số tỉnh, thành phố, nhất là ở vùng động lực. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù...
Đối với khu vực doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Hoàn thiện cơ chế thoả thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động.
Về cải cách chính sách bảo BHXH, Tổng Bí thư cho biết Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về các giải pháp giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế...
Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo lộ trình phù. Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".
Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, "đóng - hưởng", "chia sẻ".
Đồng thời mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và khả năng. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH.
Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ BHXH trong dài hạn, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc cần khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ và đúng đắn hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề cụ thể để tăng tính bền vững của chính sách BHXH.
Điều chỉnh tỉ lệ tích lũy để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế...
Với tất cả ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề và những yêu cầu, nội dung nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết về Cải cách chính sách BHXH.
Tác giả: Thế Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động