Tin địa phương

Hội cực lạ: Háo hức tìm cá trắm to, 'body' đẹp

Chỉ trong 30 phút, vừa bắt cá vừa chèo thuyền, đội thôn Gia Tịnh (xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) thắng cuộc với số lượng cá nhiều và thời gian nhanh nhất. Còn giải cá đẹp thuộc về thôn Cù Lạc 1 với con cá trắm nặng 11kg.

Chiều qua, tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã diễn ra hội thi cá trắm được nuôi ở các lồng bè trên dòng sông Son.

Nghề nuôi cá trắm trên sông Son được người dân xã Sơn Trạch thử nghiệm hơn 20 năm nay.

Các đội thi chèo thuyền qua sông bắt cá

Những người đàn ông giàu kinh nghiệm được cử vào lồng bắt cá

Nghề nuôi cá trắm hiện trở thành một nghề làm kinh tế rất hiệu quả. Từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, đã phát triển mạnh với khoảng 500 hộ với gần 1.000 lồng cá, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá thương phẩm chất lượng cao.

Phấn khởi vì bắt được cá to, người đàn ông này leo qua hàng rào để đưa cá lên bờ dự thi

Nhanh chóng chèo thuyền về thả cá vào giỏ của đội mình

Cá trắm nuôi trong lồng, được thả trên sông Son nơi có nguồn nước sạch và được cho ăn các loại rong, tảo, rau… nên chất lượng thịt rất thơm, ngon, trở thành đặc sản của miền di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ôm cá chạy lên bờ thật nhanh

Hội thi cá trắm và đua thuyền sông Son năm 2018 được tổ chức vào các ngày 25-26/4 với chuỗi hoạt động gồm: Thi vớt rong, đua thuyền nam, nữ, thi bắt cá nhanh, thi cá to, đấu giá cá trắm to nhất…

Có 6 đội thi, mỗi đội gồm 2 người vừa chèo thuyền qua sông vừa bắt cá, thôn Gia Tịnh bắt được nhiều cá trong thời gian sớm nhất. Còn con cá to nhất nặng 11kg thuộc về thôn Cù Lạc 1.

Cá sau khi được bắt về của 6 đội thi

Con cá trắm nặng 11kg, thắng giải cá đẹp của thôn Cù Lạc 1

Ông Phan Thanh Luận, Phó chủ tịch xã Sơn Trạch, Phó ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Thôn Cù Lạc 1 bắt được con cá trắm to nhất, nặng 11kg và có hình thể đẹp nhất. Đó cũng là tiêu chí để chúng tôi chấm giải”.

Ngay sau khi giật giải nhất, con cá được một nhà hàng mua với giá 2 triệu đồng.

Người dân đến theo dõi rất đông để cổ vũ cho các đội thi

Lễ hội cũng tôn vinh ý chí từ bỏ nghề khai thác rừng của rất nhiều “lâm tặc”. Gần 800 “lâm tặc” đã chuyển sang lái thuyền phục vụ khách du lịch; gần 400 “lâm tặc” gắn bó với nghề thợ nhiếp ảnh và hàng trăm người khác chuyển sang nuôi cá trắm sông Son.

Lễ hội cũng là thời điểm mở đầu cho mùa cao điểm du lịch tại Phong Nha và sẵn sàng chào đón lượng khách tham quan tăng mạnh trong năm 2018.

Tác giả: Hải Sâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP