Giáo dục

Học tiếng Anh kiểu… leo cột mỡ

Cứ đầu mỗi bậc học thì phải học lại tiếng Anh gần như từ đầu những gì đã học.

Trong kết quả của kỳ thi THPT năm nay, môn tiếng Anh gây nhiều tranh cãi. Hơn 90% điểm thi dưới trung bình. Chỉ 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.

Trẻ dễ nản, ngại, sợ

Nếu đánh giá đây là thực lực môn tiếng Anh của học sinh (HS) bậc phổ thông thì bức tranh khá ảm đạm. Tuy nhiên, khó có cách biện giải nào khác vì đa phần các nhà chuyên môn đều đánh giá đề thi năm nay có yếu tố đổi mới, tiếp cận được phương pháp ra đề thi quốc tế về mặt loại hình, có cấu trúc phù hợp với việc đánh giá tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đề thi đã thay đổi, nhiều HS nói ngay sau khi ra khỏi phòng thi: “Bể tủ” rồi! Đối với các nhà giáo dục, vụ “bể tủ” này đau đớn hơn nhiều vì đó là kết quả của một quá trình 12 năm, từ hoạt động dạy học, phương pháp đến khối lượng kiến thức, tính hợp lý của chương trình.

Một giáo sư cao tuổi ngậm ngùi nói với chúng tôi (lớp học trò của ông đang giảng dạy tại các trường phổ thông), rằng việc học tiếng Anh của con cháu mình sao mà giống trò leo cột mỡ! Lúc tiểu học đã học tiếng Anh, leo lên được một đoạn, đến đầu cấp phổ thông cơ sở lại tụt xuống một đoạn, bắt đầu lại gần như từ đầu, lại vất vả cực nhọc lần mò leo lên; đến đầu cấp THPT lại tụt xuống một đoạn nữa, lại cũng bắt đầu bằng những chào hỏi, mẫu câu, quy tắc ngữ pháp, bài đọc, bài thi... để tiếp tục leo lên cái cột mỡ ấy.

Trong suốt quá trình học, bọn trẻ lại bắt đầu bằng bao khóa học thêm ở trung tâm, nào thi chứng chỉ A-B-C, nào thi TOEFL, thi IELTS, chẳng cái nào có tính kế thừa cái nào, cái nào cũng lại bắt đầu từ đầu. Đó là chưa kể chương trình tiếng Anh ở ĐH cũng bắt đầu từ đầu luôn! Người học cứ leo lên cái cột mỡ trơn nhẫy ấy. Thế nên cũng phải hiểu tại sao bọn trẻ nản, ngại, sợ, càng lên lớp cao sự hào hứng ban đầu càng giảm. Đây có thể là căn nguyên cho việc tập trung đối phó theo kiểu làm đề “tủ”, bài mẫu, trắc nghiệm đánh thuộc lòng khiến vốn từ vựng của HS chỉ gói gọn trong mấy bài đọc của sách giáo khoa, theo lối thầy cô dịch sao HS hiểu vậy.

Học sinh đang học tiếng Anh ở một trường tại TP.HCM. Ảnh minh họa: MAI HẢI


Động lực để thay đổi

Nhà nước đã bỏ nhiều tiền đầu tư cho đổi mới chương trình, giáo viên (GV) cũng đã bỏ bao nhiêu công sức ra để học, để ôn, để thi theo chuẩn này khung nọ. Cha mẹ HS đã bỏ tiền đóng học phí ở trường, nào lớp tăng cường tiếng Anh, nào GV bản ngữ, nào sách vở, giáo trình, nào đưa đón con em từ trường chính khóa sang trường ngoại khóa… Công sức của toàn xã hội bỏ ra cho môn học này lớn lắm, nó là bề mặt phản ánh nhận thức của dân tộc, nhận thức về xu hướng toàn cầu hóa, về tương lai hội nhập của đất nước, về việc làm của giới trẻ trong môi trường đa quốc gia... Kết quả kỳ thi cho thấy nếu vẫn quanh quẩn ở cách dạy cũ, phương pháp truyền đạt cũ thì đội ngũ sư phạm trong nhà trường cho dù có bằng cấp chứng chỉ đạt chuẩn theo khung, thực tế đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trước xã hội, trước người học.

Kết quả kỳ thi không phải là thông tin cuối cùng. Là người dạy học, chúng tôi hiểu trong phổ điểm này vẫn còn những chỗ phải phân tích. Vấn đề không phải chỉ là tìm nguyên nhân, tìm ra lỗi của ai. Kết quả này đang đặt ngành giáo dục nói chung và GV tiếng Anh nói riêng trước một thách thức: Làm sao để thay đổi, quyết liệt cải tiến phương pháp dạy học? Cách học nào để HS có thể làm tốt những bài thi theo cách đánh giá này? Thực tế là một phần trong đội ngũ của chúng tôi vẫn có thể vừa dạy ở trường phổ thông, vừa dạy ở trung tâm ngoại ngữ theo phương pháp và chương trình khác biệt so với chương trình trong trường, điều đó cho thấy không phải chúng tôi không thể thay đổi được phương pháp.

Liệu kết quả đáng buồn của kỳ thi THPT quốc gia 2016 có thành một động lực mạnh cho sự thay đổi hay không? Với lương tâm của người thầy, chúng tôi tin là có. Cần hơn, đó là những biện pháp mang tính hệ thống để những cố gắng của mỗi GV được hỗ trợ bởi tinh thần thống nhất chung.

Học trong trường rất chán!

Em học tiếng Anh từ lớp 6, mặc dù điểm cũng ở loại khá nhưng đến nay vốn tiếng Anh của em vẫn rất yếu. Đầu năm lớp 10, em có đăng ký học ở trung tâm Anh ngữ để biết cách giao tiếp nhưng sau đó do lịch học chính khóa và học thêm dày nên em chỉ học được ba tháng thì ngưng. Tuy thời gian học ở trung tâm ngắn nhưng đủ để em thấy học tiếng Anh trong trường chán thế nào. Từ cấp 2 đến nay, hầu hết GV dạy tiếng Anh đều là người Việt. Thỉnh thoảng trường mới mời GV nước ngoài hoặc tổ chức giao lưu với du HS.

Cứ đến giờ học là thầy cô kiểm tra từ mới, cho làm các bài tập trong sách hoặc cho một loạt dạng điền từ, viết câu lên bảng rồi gọi HS lên làm. Hầu như bọn em rất ít khi được đối thoại, trao đổi tiếng Anh với GV, lâu lâu mới có một tiết để nghe hội thoại từ máy tính. Trong khi đó, học ở trung tâm, thầy trò đều giao lưu với nhau bằng tiếng Anh, mỗi ngày nói một chủ đề, bạn nào cũng được nói. Sau đó GV ghi chép lại những lưu ý cần thiết như ngữ pháp, phát âm... để người học dựa vào đó thực hành tiếp. Buổi học nào cũng rất vui và ai cũng mạnh dạn học cách nói để trao đổi với GV.

Học ở trường lúc nào cũng lệ thuộc vào sách và bài tập thầy cô đưa ra nên rất buồn ngủ. Đáng nói, từ lớp 8 trở đi là GV bắt đầu dồn việc học bài mới gọn lại để có thời gian làm bài tập nhiều hơn để chuẩn bị thi lên lớp 10, thời gian tăng tiết buổi hai cũng chủ yếu kiểm tra ngữ pháp và làm bài tập.

Đôi khi trong những giờ luyện tập, cô cho cả lớp giải trí bằng cách mở bài hát và chơi đoán hoặc chia đội thi đối đáp tiếng Anh rất vui. Nhưng cô chỉ cho chơi chừng 15 phút rồi nói: “Thi có phần này đâu mà chơi cho nhiều, lo thi đậu đi rồi tính” rồi lại lao đầu vào học ngữ pháp.

Khi lên cấp 3 học còn nặng hơn, từ lớp 11 ngoài dạy bài mới, GV mang đến cả xấp dày các loại đề thi tiếng Anh, các dạng viết đoạn văn, chia ra từng xấp, nào là viết lại câu, trắc nghiệm giới từ, chia động từ, điền từ vựng, sắp xếp lại câu... để HS ôn dần. Những đề đó do các thầy cô tự ra rồi thêm các dạng đề thi các năm trước. Dạng bài nào thầy cô cũng nói sẽ thi hoặc kiểm tra nên tụi em sợ, phải “luyện” để nhớ.

Vì học nhiều môn và kiến thức nhiều nên tụi em không có thời gian để nghĩ đến việc luyện nghe hoặc giao tiếp, chỉ học để làm sao kiểm tra và thi tốt là được.

Em LÊ THỊ KIM OANH, HS lớp 12 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM

PHẠM ANH ghi

Tác giả bài viết: Thanh Liên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP