Giáo dục

Học ngày, cày đêm, thi thử... chạy đua với kỳ thi THPT quốc gia

Học sinh lớp 12 nhiều trường ở TPHCM phải tăng ca, học đêm, thi thử... hết sức căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Chóng mặt vì luyện đêm, thi thử

Thời điểm này, Trường THPT Đào Duy Anh, Q.11, TPHCM cơ bản đã kết thúc chương trình học chính thức, tập trung vào việc ôn thi THPT. Trường chỉ có 2 lớp 12, mới đây tách thành 3 lớp giúp các em ôn thi hiệu quả hơn. Ngoài việc ôn ban ngày, học sinh còn phải ôn vào ban đêm theo kế hoạch của trường. Việc ôn thi vẫn không thể tránh vòng quay ôn bài, kiểm tra, làm bài thử... để củng cố kiến thức cho học sinh.

Đại điện nhà trường cho biết, năm nay thi THPT Quốc gia có thêm phần kiến thức của khối 11 nên thầy trò rất áp lực trong việc ôn thi. Buổi tối, các em tập trung ôn thi phần kiến thức của khối 11 thì mới hy vọng "chạy" kịp.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Đào Duy Anh, TPHCM trong giờ ôn thi môn tiếng Anh

Đại điện nhà trường cũng bày tỏ, có nhiều môn thi trong kỳ thi THPT theo Bộ GD-ĐT là trắc nghiệm hoàn toàn. Nhưng trong thi học kỳ, Sở GD-ĐT TPHCM lại yêu cầu phải theo tỷ lệ 80/20 hoặc 60/40 cho trắc nghiệm/tự luận. Thành ra việc học, kiểm tra của các em cũng ít nhiều gặp khó khăn.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, để giúp học trò chủ động trong ôn tập, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn chuẩn bị đề cương ôn tập, bộ câu hỏi trắc nghiệp và các chuyên đề ôn tập lồng ghép, tích hợp các kiến thức của lớp 11 vào. Vậy nhưng, thời điểm này, thầy trò vẫn phải tăng tốc cho kỳ thi.

Thời gian buổi chiều, học sinh dồn lực ôn tập và tăng số tiết theo đăng ký bài thi tổ hợp với hình thức cuốn chiếu. Trong việc ông luyện, thầy Hà Hữu Thạch -Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các em học tới đâu sẽ có một bài kiểm tra nhanh khoảng 30 phút (1 tuần có 2 bài). Thông qua các bài kiểm tra, giáo viên bộ môn sẽ nắm được kiến thức của học sinh, phát hiện em nào "hổng" kiến thức thì phải củng cố ngay trong tiết học sau đó.

Dự kiến của trường, vào ngày 28/5 tới, sau khi kết thúc năm học, nhà trường sẽ tổ chức thi thử giống như các khâu trong kỳ thi thật cho học sinh. Theo thầy Hà Hữu Thạch, kỳ thi thử của trường trước hết giúp học sinh tập dượt, làm quen, giúp giáo viên nắm rõ khả năng ôn tập của học sinh để kịp thời bổ sung trong thời gian còn lại trước kỳ thi. Bên cạnh đó, cũng để giáo viên của trường thực hành nghiệp vụ coi thi đã được tập huấn trước đó. Theo thỏa thuận với phụ huynh, nhà trường kết thúc việc ôn tập cho học sinh trước 1 tuần của kỳ thi.

Tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, học sinh trải qua hai đợt thi thử cho học sinh khối 12. Đợt 1 vào cuối học kỳ 1 vừa rồi và đợt hai dự kiến vào đầu tháng 6 tới. Ngay từ đầu năm học, trường lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh và dự kiến, chương trình ôn tập của trường đến ngày 16/6.

Thầy trò khổ vì thi

Nhiều năm làm quản lý ở các trường THPT, ThS Trần Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh bày tỏ, việc thi cử không ổn định, thay đổi hàng năm, cách thay đổi lắt nhắt rất áp lực cho thầy và trò. Như thời điểm này, học sinh rất vất vả đến học lại kiến thức lớp 11 và năm sau dự kiến là sẽ đưa cả kiến thức lớp 10 vào.

Theo đánh giá thầy Kiên, có những việc lẽ ra cần đơn giản thì chúng ta đang làm cho phức tạp thêm. Việc học bây giờ quan trọng nhất là trang bị cho các em khả năng tư duy, lập luận, nắm bắt vấn đề chứ không chỉ tập trung vào việc các em nắm được bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu con số.

Học sinh lớp 12 đang chạy đua cho kỳ thi THPT quốc gia.

Thế nhưng thi cử giờ thêm kiến thức khối 11, rồi lại sắp thêm khối 10, thầy Kiên đánh giá là nặng nề thêm phần kiến thức, thầy trò quay như chong chóng chứ không mang lại lợi ích phát triển tư duy cho các em.

Thầy Trần Trung Kiên bộc bạch: "Mọi người cứ phê phán học thêm nhưng trong điều kiện thi cử như hiện nay, không thể không học thêm". Lo ngại trước áp lực học tập đến với học sinh khối 12, mới đây, dù đang thời điểm ôn thi rất căng, Trường THPT Đào Duy Anh phải thu xếp tổ chức chuyên đề nhằm giải tỏa áp lực tâm lý cho các em.

Trước sự việc học sinh của trường nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học tập gây chấn động mới đây, thầy Lê trọng Tín - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM chia sẻ đúng là việc giáo dục lâu nay của nhà trường còn nặng về việc học, thời gian học dài và môi trường học tập nghiêm khắc, nên chưa thật sự quan tâm sâu sát đến vấn đề tâm lý của các em.

Tuy nhiên, thầy Tín cũng cho rằng, trong điều kiện hoàn cảnh thi cử như hiện nay, không gò, không ôn luyện căng thẳng thì các em không thể nào thi đỗ được. Để đạt được điều này, thầy trò vẫn phải tập trung, dốc sức cho việc dạy học.

Ôn thi không được gây quá tải cho học sinh

Theo hướng dẫn về việc ôn thi của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường tổ chức dạy ôn tập theo chủ đề trước các kỳ thi chỉ được thực hiện khi đã hoàn tất thời lượng phân phối của chương trình chính khóa. Việc ôn tập phải đảm bảo tính tự nguyện của học sinh, sắp xếp học sinh theo trình độ, nguyện vọng. Đồng thời hướng dẫn học sinh sắp xếp thời gian ôn luyện hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe, ôn hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP