Giáo dục

Hồ bẩn không dám bơi, bận học không tập thể thao

Học sinh mong thế hệ mình có thể cao to, đẹp trai, xinh gái, tự tin, tươi tắn như bạn bè năm châu. Vậy nhưng, các em đang thiếu thốn trong việc vui chơi, thể thao, chạy nhảy, thậm chí thiếu cả ngủ vì học.

Đó là vấn đề được nhiều thiếu nhi TPHCM đặt ra với lãnh đạo trong chương trình đầu năm mới “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi - Xuân Mậu Tuất năm 2018”.

Em Lê Bảo Tiên, học sinh (HS) một trường THCS ở quận 3 cho rằng, học sinh Việt Nam chưa được quan tâm, lưu ý phát triển sức khỏe, chiều cao. Hiện nay, nhiều công viên ở thành phố đều có các dụng cụ tập thể dục thể thao, không chỉ dành cho người lớn mà dành cho thiếu nhi. Vậy nhưng, học sinh không có thời gian để đi tập. 7 giờ sáng phải có mặt ở trường, các em phải dậy từ rất sớm. Chưa kể những bạn xa trường còn phải thức dậy từ 5 giờ sáng", em Tiên nói.

Em Tiên cũng trao đổi thêm, nhìn vào các hồ bơi hiện nay, em không dám bơi. Nước bẩn, trên mặt nước nổi lềnh bềnh nhiều xác côn trùng. Học sinh sau khi đi bơi ở hồ bơi như Lam Sơn, Lao Động..., nước tẩy quá nhiều nên nhiều bạn bị sưng võng mạc, viêm họng. Qua đó, Tiên đề xuất, các lãnh đạo cần kiểm soát kỹ tất cả các hồ bơi, chú ý phát triển thế chất cho học sinh thì các em mới có thể tài giỏi, cao lớn đẹp trai, xinh gái, tươi tắn như các nước bạn.

Trong khi đó, em Trần Nhân Kiệt, HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 chỉ ra thực trạng là rất nhiều phụ huynh không dành thời gian cho con, không trao đổi việc học hành, đời sống với con trẻ nhưng luôn tạo áp lực quá lớn cho các em.

"Hầu hết HS học ở trường xong, còn phải đi học thêm, bài tập rất nhiều. Các bác có cách nào để giảm áp lực từ cả nhà trường và cả phụ huynh cho học sinh cho chúng em không?", Kiệt đặt câu hỏi.

Một ý kiến khác cũng cho biết, lịch học dày đặc, thời gian học nhiều, các em không có thời gian để ngủ.

Em Dương Ngọc Quỳnh Như, HS Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.12 chia sẻ, nhiều hoạt động đội, hoạt động xã hội rất ý nghĩa với HS. Nhưng không ít phụ huynh không thấy được điều này, họ cho rằng đó là việc vô bổ, tốn thời gian, ảnh hưởng đến việc học.

Học sinh TPHCM phản ánh về các vấn đề học sinh béo phì, không có thời gian chơi thể thao, lịch học nặng (Ảnh: Nguyễn Quang)

Ngoài ra, Như cũng phản ánh thực trạng nhà vệ sinh tại nhiều trường học xây dựng lâu năm đã xuống cấp, cũ kỹ và không sạch sẽ. Điều nảy, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý của học sinh... nên Như đề nghị ngành giáo dục cần phải quan tâm hơn đến việc xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ trong trường học.

Tình trạng học sinh béo phì cũng là nỗi lo được nhiều thiếu nhi đặt ra. Trong đó, không chỉ là việc học sinh lịch học nặng, học thêm nhiều, không có thời gian vui chơi, thể thao mà em T.B.H, học sinh một trường tiểu học ở Q.5 còn chỉ ra thực đơn bữa ăn trong trường học không hợp lý. Bữa ăn nhiều tinh bột, thịt, nhất là nhiều thịt mỡ và rất ít rau xanh.

Sắp xếp lịch học phù hợp

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các Sở ban ngành liên quan lắng nghe ý kiến của các em một cách nghiêm túc, xem xét và có giải pháp kịp thời.

Trong các vấn đề lớn thiếu nhi quan tâm, thành phố hứa sẽ giải quyết, ông Phong nhấn mạnh đến việc sẽ xây dựng chương trình học làm sao để các em có thời gian tham gia các hoạt động đoàn, đội, không ngừng nâng cao kỹ năng sống, phát triển thể chất, bên cạnh chương trình học chính khóa.

Học sinh cần được quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển thể chất (Học sinh TPHCM trong giờ học thể dục. Ảnh: Hoài Nam).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, các ý kiến của thiếu nhi đều xuất phát từ nhu cầu thực tế liên quan đến việc học hành, vui chơi, giải trí, đời sống của học sinh. Vấn đề nào trong khả năng, các ngành liên quan cần giải quyết ngay. Những vấn đề lớn, cần thời gian thì cũng phải quan tâm, báo cáo lên thành phố để có biện pháp khắc phục tốt nhất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ý kiến của HS về sâu xa, chính là sự dân chủ trong trường học, muốn truyền đạt đến giáo viên, nhà trường, cần phải được coi trọng.

Từ đó, ông Nhân đề xuất, ngành giáo dục thành phố nên triển khai đến các trường mô hình "Cây mai ngày Tết" vào những dịp trước Tết. Ở trên cây mai, học sinh có theo treo những tờ giấy viết lên mong muốn, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của mình. Những việc trong khả năng, thầy cô, nhà trường hãy cùng các em biến những mong muốn, nguyện vọng của các em thành hiện thực.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP