Xã hội

Hiệp sĩ giải cứu bé gái 14 tuổi bị lừa vào quán cà phê “nhạy cảm”

Bị các đối tượng lừa đưa đi xin việc làm nhưng thực chất là bị đẩy vào quán cà phê “nhạy cảm” ở Đồng Nai, bé gái 14 tuổi đã được các hiệp sĩ giải cứu khỏi “động quỷ”.

Bé Q. được các "hiệp sĩ" giải cứu khỏi quán cà phê nhạy cảm.

Sáng 26/9, chị L.T.L (35 tuổi, quê Kiên Giang) đón xe lên Bình Dương gặp anh Nguyễn Thanh Hải (“hiệp sĩ” Bình Dương) cùng đồng đội để cầu cứu về việc con gái chị là bé Q.T.H.N. (14 tuổi) bị kẻ gian lừa đi xin việc vào ngày 12/9, sau đó bán vào quán cà phê đèn mờ tại Đồng Nai.

Sau khi xác minh thông tin, anh Hải cùng đồng đội đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương giải cứu bé gái. Tìm đến địa chỉ mà N. báo về thì cô bé đã bị chuyển đến quán cà phê khác. Tiếp tục chia nhau tìm kiếm, “hiệp sĩ” phát hiện N. đang làm việc tại một quán cà phê giáp ranh khu vực TP.HCM. Lúc này các “hiệp sĩ” đã gặp chủ quán để nói chuyện và đưa được cháu N. về với gia đình.

N. cho biết, khi lên mạng thấy có người quảng cáo cần tìm người phụ giúp nhà hàng, công việc nhẹ nhàng nhưng trả lương hơn 10 triệu đồng/tháng nên em gọi điện thoại xin việc và bị lừa đưa lên TP.HCM rồi tiếp tục bị đưa xuống Đồng Nai ép làm việc trong quán cà phê nhạy cảm.

Hầu hết các nạn nhân bị lừa bán vào các quán cà phê ôm hoặc những điểm kinh doanh trá hình sau khi được giải cứu cho biết đã sập bẫy “cò” lao động bằng các chiêu thức khá tinh vi, khả năng “diễn” của các “cò” khá tốt khiến nhiều cô gái dù cảnh giác nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay của giới “cò”.

Thiếu nữ khi bị bán vào quán cà phê nhạy cảm bị ép tiếp khách.

Rất nhiều vụ việc được phanh phui nhưng đến nay, “cò” lao động và chủ các quán cà phê trá hình vẫn chưa bị xử lý nghiêm. Cạm bẫy và những chiêu dụ dỗ gái quê để bán vào “động quỷ” vẫn đang rình rập những cô gái thôn quê.

“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo: “Những cố gái trẻ khi tìm việc làm trên mạng xã hội phải hết sức thận trọng trước những thông tin mời chào trả lương cao. Không bao giờ có chuyện làm an nhàn mà thu nhập đến vài chục triệu đồng”.

Chế tài xử lý quá nhẹ, số tiền xử phạt hành chính quá nhỏ so với lợi nhuận “khủng” thu được thì việc những điểm cà phê ôm, cà phê trá hình hoạt động rầm rộ, công khai là chuyện bình thường. Cạm bẫy từ “cò” lao động và nhu cầu cần tiếp viên của các quán cà phê ôm sẽ khiến nhiều thiếu nữ thôn quê đứng trước nguy cơ bị đẩy vào “động quỷ”.

Tác giả: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP