Dưới đây là góc nhìn của thầy giáo Trương Như Đệ.
Ảnh: Lê Thanh Hùng |
Theo dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố, điều 17, khoản 3 Thông tư số 05/2017/TT-BGD ĐT ngày 25/01/2017 sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau: "Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên".
Tôi hình dung tương lai giáo dục mà không khỏi khấp khởi. Nhưng những băn khoăn cũng ập đến.
Bộ GD-ĐT đang quá kỳ vọng?
Những năm gần đây, điểm đầu vào sư phạm ngày càng thấp. Đỉnh điểm liệu có phải là là mùa tuyển sinh 2017? Điều này là chưa chắc, bởi tôi chưa thấy điểm dừng, vẫn còn giới hạn điểm cực tiểu phía trước.
Học sinh phổ thông đâu còn mặn mà với sư phạm, đâu còn dám mơ "nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí"! Tại sao nên nỗi?
Vì lương nhà giáo thấp?
Có thể khẳng định nhận định này chưa đúng. Cùng tốt nghiệp đại học, hầu hết các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều có mức lương khởi điểm 2,34, riêng nhà giáo có thêm phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 50% thì làm sao thấp được!
Đồng ý rằng lương chưa đủ sống, nhà giáo chưa thật chuyên tâm cho nghề nghiệp, nhưng đây chưa phải nguyên nhân chính để học sinh quay lưng với sư phạm.
Vì vị trí xã hội thấp?
Về truyền thống và lí thuyết, người thầy luôn được trọng vọng - "quân sư phụ", "không thầy đố mầy làm nên", "nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí"... Nhưng thực tế không phải chỉ màu hồng.
Từ thời bao cấp đã có chuyện để đời như thông báo của cửa hàng thương nghiệp "hôm nay bán hàng tự do cho cán bộ, công nhân viên từ giáo viên trở lên". Những ngày đó, "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân được nâng lên, phụ huynh mong ước con học hành thành đạt, giáo dục, nhà giáo được xã hội quan tâm nhiều lên. Sự thành đạt của các thế hệ học sinh với những dịp "vinh qui", hội lớp, hội trường, tri ân thầy cô, tình cảm thầy trò… thật cảm động, khó có nghề nào sánh được. Chỉ tiếc, thế và quyền nhà giáo bé quá. Họ dễ bị “dọa nạt” từ chuyện biên chế, thi đua đến điều động…
Vì sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm?
Theo tôi, đây là nguyên nhân chính. Có em từ bé đã thích đóng vai thầy cô giáo trong các trò chơi của trẻ, nghề giáo ấp ủ trong ước mơ của em suốt những năm phổ thông. Thế mà đến năm lớp 12, khi làm hồ sơ vào đại học, em không thể chọn sư phạm, vì "thưa cô, em cần việc làm sau khi tốt nghiệp, mà sư phạm ra trường thất nghiệp là cái chắc".
Nếu không có giải pháp mà chỉ qui định đầu vào sư phạm phải là học sinh giỏi, phải chăng Bộ đang làm một việc không khả thi?
Nếu điều kiện này của dự thảo chính thức được ban hành, tôi e rằng tuyển sinh năm sắp tới, các trường sư phạm sẽ "vắng như Chùa Bà Đanh!".
Cần có lộ trình và giải pháp căn cơ
Để thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần có lộ trình và giải pháp căn cơ hơn.
Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Trước mắt, hãy tuyển dụng ngay những sinh viên đang học trong các trường sư phạm khi tốt nghiệp, đặc biệt tuyển dụng hết sinh viên giỏi.
Tiếp đến là sắp xếp lại các trường sư phạm, chỉ giữ khoảng 3 đến 5 trường đại học sư phạm cho các miền. Hàng năm, các trường đi khảo sát nhu cầu và hợp đồng số lượng với các tỉnh. Khi tuyển sinh kèm thông báo nhu cầu các tỉnh, tuyển chỉ đủ nhu cầu, cam kết sinh viên sẽ được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên đang học có học bổng đủ trang bị nhu cầu học tập tối thiểu. Sinh viên tốt nghiệp ra trường ở vị trí cao chọn nhiệm sở trước theo thứ tự.
Sinh viên nhận quyết định nhiệm sở kèm mức lương khởi điểm tương xứng (4,20 như quân đội và công an), cấp một xe mô tô thương hiệu nhà giáo làm phương tiện đi lại dạy học (có thể trừ dần vào lương trong 5 năm).
Dự báo khi đó không cần qui định điều kiện, học sinh giỏi vẫn tìm đến "xếp hàng" vào đại học sư phạm.
Đối với hệ đào tạo cao đẳng (nên bỏ đào tạo hệ trung cấp), tuỳ theo nhu cầu các tỉnh để mở trường cao đẳng sư phạm riêng hoặc trường liên tỉnh và bảo đảm đầu ra.
Được như vậy, học sinh khá, kể cả giỏi cũng sẽ tự tìm đến nộp hồ sơ tuyển sinh.
Tác giả: Trương Như Đệ
Nguồn tin: Báo VietNamNet