Tỷ phú Charoen Sirivadhanabakdi, người đứng sau ThaiBev, đang không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam |
Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) vừa công bố báo cáo tài chính 3 tháng cuối năm 2017 được kiểm toán bởi KPMG.
Bản báo cáo này cho thấy, trong quý vừa qua, các chỉ tiêu kết quả kinh doanh của “ông lớn” đồ uống này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất trong 3 tháng cuối năm của ThaiBev còn 45,97 tỷ baht, giảm 2,17%.
Trong khi đó, tổng chi phí lại tăng 7,9% lên 42,8 tỷ baht, qua đó khiến tổng lợi nhuận kế toán hợp nhất trước thuế giảm mạnh, chỉ còn bằng 43,6% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 4 tỷ baht. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 3 tỷ baht, giảm hơn 61% so với cùng kỳ.
Với các thương vụ sáp nhập, mua bán cổ phần, chỉ trong vòng 3 tháng, tổng tài sản của tập đoàn này đã tăng rất mạnh, từ 194,2 tỷ baht thời điểm cuối tháng 9/2017 lên 409,6 tỷ baht.
Tuy nhiên, nợ phải trả của ThaiBev cũng tăng tới 4,3 lần so với cuối tháng 9/2017 lên 262,7 tỷ baht. Trong đó, tổng nợ ngắn hạn đã tăng gần gấp đôi từ 47,76 tỷ baht lên 90 tỷ baht vào cuối năm. Riêng nợ ngắn hạn ngân hàng và nợ ngắn hạn từ các tổ chức tài chính tăng hơn 7 lần lên 41,18 tỷ baht.
Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2017, nợ ngắn hạn của ThaiBev đã tăng rất mạnh, đặc biệt là nợ vay ngân hàng (ảnh chụp màn hình BCTC của ThaiBev) |
ThaiBev hiện sở hữu 99 công ty con (phần lớn là sở hữu 100% vốn), nắm giữ cổ phần tại tổng cộng 190 công ty, rất nhiều doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp Việt Nam.
Vào cuối năm 2017, thông qua Vietnam Beverage, đơn vị do một công ty con của ThaiBev sở hữu 49%, tập đoàn này đã chi tới 5 tỷ USD để sở hữu 343.642.587 cổ phiếu SAB (chiếm 53,6%) vốn Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
ThaiBev đã mua cổ phiếu SAB tại mức giá 320.000 đồng, bằng đúng giá khởi điểm mà Bộ Công Thương đưa ra. Đến thời điểm hiện tại, SAB có giá 242.700 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa, ThaiBev đã tạm lỗ trên 26.500 tỷ đồng.
Quy mô cuộc đấu giá này được cho là lớn nhất trong lịch sử đấu giá công khai tại Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, để có tiền lo liệu, ThaiBev và công ty con là BeerCo đã phải vay vốn từ 7 ngân hàng địa phương và nước ngoài.
Cụ thể, bản thân ThaiBev phải vay khoảng 100 tỷ baht (tương ứng khoảng 3,05 tỷ USD) từ 5 ngân hàng là Bangkok Bank Public, Bank of Ayudhya, Kasikornbank Public, Krung Thai Bank, Siam Commercial Bank với mỗi khoản vay có trị giá khoảng 20 tỷ baht (tương đương 610 triệu USD).
BeerCo, với sự bảo đảm của ThaiBev, đã tiến hành vay của 2 ngân hàng ngoại là Mizuho Bank và Standard Chartered Bank - chi nhánh Singapore 1,95 tỷ USD.
Việc củng cố vị trí ở thị trường Đông Nam Á nhằm đưa ThaiBev đạt mục tiêu đạt hơn 50% doanh thu ở khu vực nước ngoài vào năm 2020.
Song, theo báo cáo thường niên của ThaiBev, trong cơ cấu doanh thu năm 2017 của ThaiBev, 97% đến từ Thái Lan và chỉ có 3% là lợi nhuận đến từ các thị trường khác. Tỷ lệ đóng góp của thị trường nước ngoài đối với ThaiBev đã giảm so với trước đây (năm 2016, thị trường quốc tế đóng góp 4% doanh thu cho ThaiBev).
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí