Giáo dục

Hành hung học trò chỉ có thất bại!

Biện pháp bằng đòn - roi của một số giáo viên để mong muốn học sinh tốt hơn, giờ đã lạc hậu, lỗi thời rồi.

LTS: Liên tục các vụ việc bạo lực học đường mà tiêu điểm là vụ việc phụ huynh đánh giáo viên thời gian gần đây (do làm xước má học sinh) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đồng thời nhắc nhở mỗi người giáo viên phải xem xét lại mình trong cách giáo dục các thế hệ trẻ.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc tiếp tục có bài viết bàn luận về vấn đề trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Mới đây, ngày 23/10, một số phụ huynh trú ở thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đã gửi đơn thư tố cáo về việc con em của họ bị thầy giáo chủ nhiệm dùng thước đánh bầm tím bắp đùi chân chỉ vì 6 em học sinh lớp 7 làm gãy ghế ở phòng học.

Trước đó, mấy ngày, cô O., giáo viên trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đức Trí, (Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) vì hành vi đánh xước má học trò, bị Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng xử phạt hành chính 5 triệu đồng và đình chỉ công tác 1 tháng, còn phụ huynh C. có hành vi đánh giáo viên bị phạt 7 triệu đồng.

Cũng trong tháng 10, thầy Trần Văn Bình (giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, trường Tiểu học Kim Lân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đánh học sinh ngay trên bục giảng.

Sự việc bắt nguồn từ ngày 7/10, học sinh Lo Vi Đăng, lớp 4B trong tiết học của thầy Bình do lên bảng không viết bài được nên đã bị thầy Bình đánh.

Chẳng hiểu sao, biết bao nhiêu bài học, hậu quả nhãn tiền do lỗi đánh học trò gây nên, các thầy cô - đồng nghiệp không thấy sao?

Lâu nay, có vô số bài viết, bình luận, lời cảnh báo thấm thía, sâu sắc về vấn đề đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, lẽ nào các giáo viên chúng ta lại thờ ơ, không đọc để suy ngẫm, né tránh?

blhd1
Bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Là một giáo viên đang trực tiếp quản lý giáo dục và giảng dạy ở bậc Trung học Phổ thông, với 20 năm trong nghề, chứng kiến nhiều thăng trầm, đổi thay của ngành giáo dục và hằng ngày phải đối mặt, giải quyết nhiều vấn đề liên quan giáo dục đạo đức học sinh, nhất là các học sinh cá biệt, chưa ngoan.

Chính vì vậy, tôi rất thấu hiểu, cảm thông nỗi vất vả, nhọc nhằn của các giáo viên đang gánh vác sứ mệnh “trồng người” khi mà yêu cầu, đòi hỏi của ngành, xã hội về năng lực, phẩm chất người thầy ngày càng cao.

Tôi từng mười mấy năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm ở ngôi trường bán công có nhiều học sinh cá biệt, chưa ngoan.

17, 18 năm về trước, khi còn là một thầy giáo trẻ mới ra trường, tôi cũng từng không kiềm chế được nóng giận, bức tức và không ít lần dùng tay bạt tai, dùng cây đánh đòn học trò (do các em quậy phá, đánh lộn, lỳ lợm…) khiến học sinh và phụ huynh phản ứng (tất nhiên ở mức độ nhẹ, chỉ gặp nói riêng thôi).

Mỗi lần đánh học trò như thế, xuống phòng hội đồng, về nhà, tôi suy nghĩ, chất vấn về hành vi của mình rất nhiều, mình đánh học trò là mình bất lực, lỗi thuộc về mình.

Biện pháp “cho roi cho vọt” của tôi để các em biết sợ, ngoan ngoãn hơn, theo tháng năm càng giảm dần và 10 năm nay tôi không bao giờ đánh học trò nữa.

Những em cá biệt, chưa ngoan, tôi kiên trì biện pháp cảm hóa, giáo dục, đánh vào tâm lý, tình cảm.

Tôi kiểm nghiệm thấy mình đã thành công, các em có chuyển biến tốt và kính trọng, nể phục thầy giáo hơn.

Từ hàng loạt vụ việc đáng buồn về hành vi giáo viên, bảo mẫu đánh học trò dẫn đến thương tích gần đây, có nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc, lên án về việc làm sai trái của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà giáo trong môi trường giáo dục.

Song cũng không ít ý kiến lên tiếng bênh vực, đồng cảm với “nỗi khổ”của giáo viên hôm nay trước áp lực giáo dục càng lớn, có nhiều học sinh cá biệt, hư hỏng, quậy phá, coi thường tất cả.

Nói gì thì nói, giáo viên đánh học trò là hoàn toàn sai, vi phạm đạo đức nhà giáo và phải chịu trách nhiệm về lỗi của mình theo quy định của ngành, pháp luật Nhà nước.

Có ý kiến bất bình, một vài giáo viên đánh học trò lại có vô số tờ báo, dư luận lên tiếng, chỉ trích, kể tội; còn hàng ngày, tại trường lớp, nhiều học sinh quậy phá, vô lễ, coi thường giáo viên thì lại ít thấy đề cập, phê phán, như vậy là thiếu công tâm, khách quan.

Không ít giáo viên từng chia sẻ, bây giờ vào lớp, nhiều khi giáo viên thật sự “sợ” học sinh vì cá biệt, lỳ lợm, vô lễ, giáo dục, uốn nắn nhiều lần không chuyển biến, thay đổi.

Thậm chí, có giáo viên mang tư tưởng, tâm lý tiêu cực, vào lớp “mackeno” chúng nó làm gì thì làm, không cần biết, “trông chúng nó nghỉ học càng sớm càng tốt, chứ mệt mỏi lắm rồi”.

Giáo dục con trẻ là trách nhiệm chung của cả xã hội, trong đó vai trò của gia đình và nhà trường được đặt ở vị trí hàng đầu.

Tôi cho rằng, việc phụ huynh phê phán hoặc kiện tụng các giáo viên có hành vi bạo lực đối con em họ là chuyện hết sức bình thường, pháp luật không cấm.

Anh vi phạm, đánh con người bầm tím mặt mày, làm cha mẹ, ai mà không xót xa, không bức xúc?

Việc phản ứng phù hợp, đúng pháp luật của cha mẹ các em cũng là điều cần thiết để chấn chỉnh bớt sự lệch lạc, nóng giận quá mức của một số giáo viên.

Biện pháp bằng đòn - roi của một số giáo viên để mong muốn học sinh tốt hơn, giờ đã lạc hậu, lỗi thời rồi.

Điều mà chúng tôi và quý bậc phụ huynh mong mỏi nhất là ở mỗi nhà giáo nên xây dựng cho mình ý nghĩ sau:

“Đừng bao giờ đổ lỗi cho áp lực, lý do này, nọ mà một khi đã dấn thân vào con đường, sự nghiệp “trồng người” thì phải biết chấp nhận, hy sinh, biết kiềm chế bực tức của mình, tuyệt đối không được xúc phạm học sinh, kiên trì các biện pháp mang tính sư phạm, giáo dục, nhân văn thì mới giảm thiểu được hiện tượng bạo lực trên”.

Bởi lẽ, tất cả chúng ta phải sống và làm việc luôn coi kỷ cương, pháp luật là thượng tôn.

Riêng ngành Giáo dục từng ban hành các quy định khá rõ ràng, chặt chẽ, phát động các phong trào rất ý nghĩa: không vi phạm đạo đức nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực… hướng tới chuẩn hóa giáo viên, thầy cô giáo luôn là tấm gương đẹp, thân thiện, yêu thương học trò.

Mặt khác, vai trò quản lý của lãnh đạo, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục cũng hết sức quan trọng.

Lãnh đạo quản lý, chỉ đạo sát sao, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sớm phát hiện ra những giáo viên có biểu hiện nóng nảy, hay hù dọa, đánh học sinh và có cách nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời thì sẽ bớt đi nhiều vụ việc tai tiếng, đáng buồn.

Đồng thời, cả hội đồng nhà trường từ lãnh đạo đến giáo viên, nhân viên cần thống nhất, xử lý học sinh cá biệt, hư hỏng theo đúng luật định, không nể nang, dung dưỡng những trường hợp quá đáng, hết cách giáo dục.

Hy vọng thời gian còn lại năm học này và các năm học tới, môi trường giáo dục được cải thiện tốt hơn, không còn phải nghe và chứng kiến thêm các vụ giáo viên bạo hành học sinh, học sinh hành hung nhà giáo.

Tất cả phần nhiều phụ thuộc vào ý thức tự soi rọi, rèn giũa, ứng xử của bản thân từng giáo viên và cách quản lý sâu sát, trách nhiệm, tác động hiệu quả của các Ban Giám hiệu cơ sở giáo dục.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP