Kinh tế

Hàng giả, hàng nhái phá vỡ thị trường, triệt đường sống của doanh nghiệp

Hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng, phá vỡ thị trường, triệt đường sống của doanh nghiệp - Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết.

Bốn tháng, hơn 63.000 vụ hàng lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ

Tin tức trên báo Dân trí, Tổng cục Hải Quan cho biết, bốn tháng đầu năm, các lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ, xử phạt, truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng, trong đó khởi tố hơn 440 vụ và hơn 580 đối tượng vi phạm.

Theo Ban Chỉ đạo chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại Ban 389 Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chống buôn lậu như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan... đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị cao liên quan đến thuốc lá, dược phẩm, hàng điện tử và đặc biệt là ma túy và vũ khí quân dụng.

Bên cạnh đó, còn có nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại gây bức xúc trong dân, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn lương thiện khốn đốn. Đặc biệt, hàng giả đang chạy về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi các lực lượng chuyên ngành yếu – lỏng lẻo. Thị trường hàng hóa nông thôn đang bị đầu độc bởi nhiều loại hàng giả nguy hiểm đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại kinh tế và làm mất niềm tin của người dân.

Trên thực tế, hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu lớn trong và ngoài nước tại Việt Nam đang bị làm giả và tuồn ra thị trường ngày một nhiều khiến dư luận nhân dân lo lắng, thị trường xáo trộn. Đặc biệt, vấn nạn hàng giả liên quan đến thực phẩm đang gây nhức nhối xã hội, cần sự vào cuộc mạnh tay của các ngành.

Theo Tổng cục Hải Quan, các địa bàn và địa phương “nóng” về công tác buôn lậu, hàng giả như tuyến biên giới phía Bắc như Quảng Ninh – Lạng Sơn, Lào Cai… Tại các tuyến biên giới Tây Nam, tình trạng buôn lậu thuốc lá, mỹ phẩm, xăng dầu vẫn diễn ra gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Đặc biệt, tội phạm hàng giả đang công khai vận chuyển bằng đường hàng không với những thủ đoạn tinh vi. Các mặt hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao như: vàng, điện thoại di động, tân dược, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác…

Hiện hàng giả đang ở mọi ngóc ngách và mọi nơi, mọi chỗ. (Ảnh minh họa).


Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, hiện hàng giả đang ở mọi ngóc ngách và mọi nơi, mọi chỗ, càng làm càng thấy và càng bức xúc vì hàng giả.

Ông Bảo hỏi: “Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả tại Việt Nam hiện nay? Trong khi đó, để chỉ ra những mặt hàng nào bị làm giả thì có thể kể ra được 30 ngành hàng. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, ta thấy ít hàng giả thôi, chứ còn ở các tỉnh biên giới thì đầy rẫy. Nếu các vị đi xe và đi từ Móng Cái, sang Lạng Sơn, Lào Cai nếu bỏ hết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đi thì chẳng còn bao nhiêu hàng thật”

Theo ông Bảo, điều này nói lên rằng hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng, phá vỡ thị trường, triệt đường sống của doanh nghiệp. “Không ở nước nào mà hàng giả cạnh tranh trực tiếp với hàng thật, ngoài chợ bán hàng điện tử, dệt may, ngay ở Hà Nội chứ chưa nói vùng sâu, vùng xa, người ta vẫn nghiễm nhiên bán quần áo giả nhãn mác, thiết bị nhập lậu mà không thấy ai xử lý, bị xử lý”, ông Bảo nêu.

Doanh nghiệp VN “hờ hững” với chống hàng giả

Báo Tuổi trẻ đưa tin, theo ông Lê Thế Bảo, hiện nay, các doanh nghiệp còn hờ hững với việc chống hàng giả, hàng nhái. Lẽ ra sản phẩm của mình bị làm giả, khi công an bắt được đối tượng làm giả, doanh nghiệp phải vui. Nhưng doanh nghiệp VN lại lo “sốt vó”, chạy đến hiệp hội bảo “thế này thì chết tôi thôi” bởi lo sụt giảm doanh thu.

Ông Lê Thế Bảo cho biết số lãnh đạo DN hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một lý do khác khiến DN chưa tin tưởng vào các cơ quan chức năng là do có hiện tượng tiêu cực trong chính đội ngũ thực thi. “Để công tác chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả, phải chống cho được hiện tượng tiêu cực, tạo lòng tin đối với DN thì cuộc đấu tranh này mới thành công” - ông Bảo nói.

“Cũng có một số doanh nghiệp cùng lo đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay” - ông Bảo nói.

Thông tin trên báo Người lao động, theo đại tá Hoàng Văn Trực, thiếu tin tưởng lẫn nhau đang khiến sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, không đẩy lùi được loại tội phạm này. “Ngay cả giữa các phòng trong cùng cơ quan công an với nhau cũng có hiện tượng rò rỉ thông tin, chỉ 5 phút sau khi họp xong, đối tượng đã biết. Mình chưa kịp triển khai quân, đối tượng đã tẩu tán tang vật rồi” - ông Trực nêu.

Về phía các DN cũng chưa phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng vì lo ngại thông tin sản phẩm của mình bị làm giả lan ra sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Khi được đề nghị phối hợp làm rõ thông tin về hàng giả, hàng nhái, nhiều DN chỉ trả lời “có nghe nói nhưng không biết rõ” hoặc “bây giờ mới nghe nói”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung đánh vào các đầu nậu thì phần lớn các lực lượng chức năng mới chỉ tiếp xúc với những người làm thuê, từ biên giới đến nơi tiêu thụ và đây chưa phải những đối tượng chính của nạn hàng giả, hàng nhái. “Cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là vai trò của địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường bởi đây sẽ là yếu tố quyết định đến hiệu quả chống buôn lậu và hàng giả” - ông Hải đề xuất.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP