Sáng 1/12, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Xây dựng thành phố, nhiều đại biểu nêu vấn đề vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp, điển hình là ở Sóc Sơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Sở Xây dựng sáng 1/12. Ảnh: Võ Hải |
Chánh thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm là hệ thống pháp luật. Nghị định 139/2017 đã giảm thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, như không được ra quyết định cưỡng chế công trình (giờ là thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận/huyện). Công trình vi phạm bị đình chỉ 60 ngày để hoàn thiện thủ tục, giấy phép, nhưng lực lượng giám sát không có nên rất nhiều trường hợp bị đình chỉ vẫn cố tình xây.
Một nguyên nhân nữa là công tác phát hiện ở địa bàn còn rất yếu, để vi phạm lớn mới xử lý và trở thành rất khó. "Gần đây, vi phạm xây dựng trên đất nông lâm nghiệp khá phức tạp. Đây không phải đất cấm xây dựng trong luật Xây dựng, nên khi xảy ra vi phạm, thanh tra áp dụng Nghị định 139 xử lý là rất khó, mà phải xử theo quy định về đất đai", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Thanh tra Xây dựng đã chuyển cho huyện Sóc Sơn quản lý 103 biên chế và hợp đồng, nhưng cũng chỉ quản lý được ở thị trấn Sóc Sơn và khu vực lân cận, còn vào sâu phía trong chưa làm được.
Từ thực tế trên, Chánh thanh tra Sở Xây dựng đề nghị thành phố kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phân định rõ chức năng của từng lực lượng trong việc quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp và đất rừng, đồng thời bổ sung đất nông nghiệp, lâm nghiệp vào các loại đất cấm xây dựng.
Có băn khoăn tương tự, Phó giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Việt Trung cho rằng tồn đọng trong xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp có nguyên nhân pháp luật xây dựng chưa quy định.
"Vi phạm rõ ràng phải xử lý, nhưng lại không có chế tài. Chưa kể đến xây nhà ở nông thôn lại có quy định miễn phép, nên có sự đan xen giữa miễn phép và cấp phép. Đây là nguyên nhân khiến hơn 5% công trình vi phạm xây dựng chưa xử lý được", ông Trung nói.
Một tổ hợp công trình tại xã Minh Phú, Sóc Sơn. Ảnh: Gia Chính. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng có thực tế là đã xử lý hành chính và cán bộ vi phạm rồi, nhưng công trình vi phạm vẫn tồn tại. "Như Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh nêu, xử phạt vi phạm hành chính rồi là chủ trông trình cười và lại xây tiếp. Sóc Sơn cũng bị như vậy", Bí thư Hải nói và đề nghị trong trật tự xây dựng nói chung "phải xử lý, tất cả đều theo pháp luật" vì nếu không tạo ra được cái nếp tuân thủ pháp luật ngay từ đầu thì cứ xử hết năm này sang năm khác không bao giờ hết.
Trao đổi với báo chí hôm 29/11, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, cho biết năm 2006, Ban Pháp chế giám sát và phát hiện ra vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn, sau đó thanh tra đã vào cuộc và cách chức hơn 10 cán bộ cấp xã và lãnh đạo huyện Sóc Sơn. Thanh tra Chính phủ vào và yêu cầu khởi tố và hàng loạt lãnh đạo xã đã đi tù.
Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận, việc thực hiện khắc phục sai phạm ở Sóc Sơn "chưa đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt, việc tổ chức triển khai kết luận thanh tra chậm". Hiện thành phố đợi kết luận của Thanh tra để có hướng xử lý.
Trước đó năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh... Tại rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong số này, có gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất. Những vi phạm cũ chưa xử lý hết thì lại có thêm nhiều sai phạm mới. Trong hơn hai năm (tháng 1/2016 đến tháng 6/2018), qua kiểm tra 28 trường hợp xây dựng ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 12 trường hợp "tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp"; 16 trường hợp còn lại được chính quyền huyện báo cáo "đã xây dựng từ những năm trước và sử dụng ổn định". Giữa tháng 10/2018, TP Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Cuối tháng 11/2018, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP Hà Nội, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn, báo cáo phải thực hiện trước ngày 15/12. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn Sóc Sơn; đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/2/2019. |
Tác giả: Võ Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress