Trong nước

Hà Nội cấm ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép

Cán bộ tiếp dân e ngại buổi làm việc bị quay hình trực tiếp trên mạng xã hội với bình luận thiếu chuẩn mực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố.

Theo đó, công dân đến trụ sở này phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên bảo vệ... và "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".

Trụ sở tiếp công dân

Trụ sở tiếp công dân của TP Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho hay, trong nội quy tiếp công dân tại trụ sở của ban cũng có quy định tương tự.

Theo ông, việc công dân quay phim, ghi âm để giám sát cũng tốt nhưng có một số người dùng biện pháp đó với dụng ý khác; thậm chí nhiều người livestream các buổi tiếp công dân trên mạng xã hội kèm theo bình luận thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng đến người tiếp dân.

"Quy định thì như thế nhưng tại nhiều buổi tôi tiếp công dân, mọi người đều ghi âm, chụp hình, thậm chí livestream", ông Điệp nói và cho rằng quy định trên là cần thiết để đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền.

Cùng quan điểm, luật sư Vũ Tiến Vinh nói trước hết người cán bộ tiếp dân có quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư của mình theo theo Bộ luật Dân sự; quy định như trên cũng góp phần hạn chế tình trạng khi vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết thì công dân đã chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng xã hội.

Ở góp nhìn khác, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, TP Hà Nội ra quy định căn cứ vào Luật Tiếp công dân, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định liên quan, song các văn bản này lại không có những những chế định đó. "Như vậy quy định của Hà Nội là không đúng thẩm quyền", ông nói.

Dẫn chiếu việc ghi âm, ghi hình đối với cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ từng gây tranh cãi trước đây, đại biểu Xuyền cho rằng cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ chứ không phải tư cách cá nhân, như vậy không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ghi âm, ghi hình và sử dụng như thế nào phải tuân theo những quy định của pháp luật tương ứng.

"Công dân có thể sử dụng các dữ liệu đó để đảm bảo quyền của mình, ví dụ làm căn cứ xác định cán bộ tiếp dân đã tiếp nhận đơn thư chưa, trả lời dân như thế nào..., nhưng không được sử dụng để đăng lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ", ông nói.

Tác giả: Võ Hải - Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP