Lý do được UBND tỉnh Hà Giang đưa ra là các cơ quan hành chính của tỉnh đều được đầu tư từ những năm 1990-1991, nằm rải rác trên địa bàn các phường. Trải qua hơn 25 năm sử dụng, các công trình đã xuống cấp, để tiếp tục sử dụng đòi hỏi cần có nguồn vốn cải tạo, sửa chữa rất lớn. Mặc khác, thành phố Hà Giang diện tích đất quy hoạch xây dựng rất hạn chế, do địa hình miền núi chia cắt bởi nhiều dãy núi đá vôi, nên để tạo thêm quỹ đất xây dựng cho thành phố là rất khó khăn.
Theo UBND tỉnh Hà Giang, các trụ sở hiện có không tập trung theo ngành, khối, không tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác và giải quyết các thủ tục hành chính, không tạo được điểm nhấn đô thị. Do ở riêng lẻ nên quỹ đất xây dựng được khai thác, sử dụng không hiệu quả, phá vỡ cảnh quan đô thị, gây khó khăn cho công tác quy hoạch.
Trụ sở UBND tỉnh Hà Giang hiện nay. |
Dự án này được UBND tỉnh Hà Giang lập Đề án xây dựng từ năm 2013. UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 10/2015. Nhưng tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung. Dự án của Hà Giang cũng nằm trong diện này.
Dẫn Chỉ thị số 12 ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở ngành tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng các cơ quan hành chính hiện tại. Kết quả rà soát, đánh giá cho thấy việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án Hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang “là cần thiết”.
Vì thế, UBND tỉnh Hà Giang trình Thủ tướng cho phép tỉnh này tiếp tục triển khai dự án theo hình thức đầu tư hợp tác công tư, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), đồng thời xem xét hỗ trợ tỉnh Hà Giang một phần kinh phí để triển khai thực hiện.
Hình thức hợp đồng BTL là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời gian nhất định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.
Dự án bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là gần 30.000 m2, chưa bao gồm tầng bán hầm.
Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 700 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư dự án là hơn 565 tỷ đồng, lãi vay trong quá trình đầu tư là hơn 127 tỷ đồng.
Thời gian trả gốc và lãi của dự án là 11 năm. Thời gian kinh doanh, thu hồi vốn và đảm bảo chỉ tiêu kinh tế là 9 năm. Do đó, tổng số tiền tỉnh Hà Giang phải thanh toán là hơn 1.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư là từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm (25 tỷ/năm trong 11 năm); nguồn thu từ bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của các đơn vị sau khi hợp khối; nguồn kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị.
Dự kiến hình thức ưu đãi, bảo đảm đầu tư là nhà đầu tư không nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 7 năm tiếp theo. Tỉnh Hà Giang giải phóng mặt bằng diện tích toàn bộ dự án, giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải,... ).
Đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang đang được gửi đến các bộ ngành góp ý, cho ý kiến.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet