Số liệu bất bình đẳng giới trong SGK hiện nay |
Chiều 26/4, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông. Các chuyên gia cho rằng, học sinh cần được giáo dục về giới sớm, để đến lớp 5 mới dạy về giới là quá muộn, bởi các vụ việc xâm hại tình dục trẻ được phát hiện khi trẻ còn rất ít tuổi.
TS Bùi Phương Nga, Chủ biên môn tự nhiên và xã hội, môn khoa học mới cho biết, lồng ghép đào tạo về giới trong chương trình môn khoa học được thực hiện ở chủ đề con người và sức khỏe lớp 5. Mục tiêu là giúp học sinh bước đầu phân biệt giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và biết cách phòng tránh bị xâm hại tình dục.
Cụ thể, bà Nga cho biết, trong chương trình lớp 5, yêu cầu học sinh phân biệt được đặc điểm sinh học nam và nữ, thể hiện được thái độ và thực hiện tôn trọng các bạn cùng giới, khác giới. Bước đầu phân biệt được khái niệm giới tính.
Ở mạch nội dung phòng tránh bị xâm hại, chương trình dạy học sinh lớp 5 mới đề cập sự an toàn, quyền được an toàn và bảo vệ sự toàn vẹn của cá nhân, phản đối sự xâm hại. Ở độ tuổi này, học sinh cần được dạy lập danh sách những người đáng tin cậy và có kỹ năng chia sẻ, yêu cầu sự giúp đỡ khi bản thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị xâm hại.
Ở chương trình môn giáo dục công dân mới, ban soạn thảo xây dựng các chủ đề có nội dung giáo dục về bình đẳng giới gồm 4 chủ đề. Tuy nhiên, ở lớp 3 và lớp 4 học sinh mới chỉ được dạy về sự biết ơn ông bà tổ tiên, lòng biết ơn công lao người mẹ; quyền bổn phận trẻ em. Chỉ khi đến lớp 5, học sinh mới được giáo dục về việc tôn trọng sự khác biệt về giới.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho rằng, không riêng ở Việt Nam, trên thế giới, các nước cũng yêu cầu cao về sự tích hợp lồng ghép việc giáo dục giới.
PGS Thống khẳng định, môn Ngữ văn bản thân không cần lồng ghép giáo dục giới bởi vì dạy Văn, phân tích hình tượng văn học chính là giáo dục bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính được quán triệt khi xây dựng chương trình làm sao để người viết sách giáo khoa có thể hiện thực hóa việc giáo dục giới, bình đẳng giới. Cụ thể, điều này được thể hiện qua việc chọn đưa vào giảng dạy các tác phẩm có hình tượng người phụ nữ như người vợ, người mẹ hay chính cả việc lựa chọn các tác giả nữ đưa vào.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, trên thực tế có những em bé chỉ mười mấy tháng tuổi đã bị xâm hại tình dục. Vì vậy, việc giáo dục giới tính cần được triển khai ngay từ khi trẻ học mẫu giáo. “Nếu để đến lớp 5 mới giáo dục về giới cho học sinh là quá muộn”, bà Hòa nói.
TS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ biên Chương trình hoạt động trải nghiệm cũng cho rằng, việc bắt đầu giáo dục giới tính cho học sinh ở lớp 5 là muộn. Theo bà Thoa, nên đưa chương trình giáo dục giới vào lớp 1 là phù hợp.
Tác giả: NGUYỄN HÀ
Nguồn tin: Báo Tiền phong