Giáo dục

Giảng viên du học bằng ngân sách không về, ta mất cả người lẫn của

Không những khó đòi các giảng viên vi phạm bồi hoàn kinh phí mà các Trường Đại học còn phải “đau đầu” bổ sung nguồn nhân lực thay thế.

Phải tìm nhân lực thay thế

Trao đổi với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc nhiều giảng viên được cử đi đào tạo xong không quay trở về khiến nhiều trường bị thiếu hụt nguồn nhân lực.

1daihocDanang
Nhiều giảng viên được cử đi học nước ngoài tự ý phá vỡ cam kết nhưng rất khó để đòi bồi hoàn lại kinh phí. Ảnh: An Nguyên

“Bởi trước khi cử giảng viên đi học thì nhà trường cũng đã lập sẵn kế hoạch về nhân sự nhưng khi họ không về thì sẽ thiếu đội ngũ giảng dạy, đứng lớp”.

Thầy Dưỡng dẫn chứng, một bộ môn cử một giảng viên đi học Tiến sĩ để về bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng như: trưởng khoa hay phó khoa.

Sau ba năm, nếu người đó không về thì công tác quy hoạch cán bộ phải thay đổi mà bộ môn giảng dạy của giáo viên đó cũng bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, thầy Dưỡng cho rằng, tỷ lệ này tại Đại học Đà Nẵng cũng khá ít nên không ảnh hưởng lớn đến chương trình đào tạo của Trường.

“Khi không có giảng viên, nhà trường phải tìm cách bố trí nhân sự khác để đứng lớp, vừa đảm bảo số giờ dạy, chất lượng”.

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thông tin, khi nhà trường cử các giảng viên này đi học thì cũng phải nhờ người hỗ trợ, đứng lớp thay (trong vòng 2-3 năm).

Trường hợp giảng viên đó phá vỡ cam kết, không trở về nhận nhiệm vụ thì nhà trường lại phải đi tuyển giáo viên mới, thay thế.

Tại nhiều trường đại học khác, việc bị “hụt” mất một lượng lớn giảng viên sẽ rất khó bù đắp vì đa phần những người đi học đều có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ...

Khó xử lý bồi hoàn kinh phí

Học viên đi học theo đề án 322 hay 911 thì việc không trở về sẽ gây tổn thất cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng nhưng việc bồi hoàn kinh phí đào tạo gần như là “bất khả thi”.

Vụ việc Trường Đại học Cần Thơ khởi kiện giảng viên VTN. ra TAND quận Ninh Kiêu (Cần Thơ) đòi bồi hoàn kinh phí đào tạo là 600 triệu đồng đã kéo dài giữa năm 2016 đến nay vẫn chưa “ngã ngũ”.

Theo đó, bà N. cho rằng mình đi học theo học bổng của chính phủ Nhật Bản nên toàn bộ chi phí do phía nước bạn cấp.

Bà này chỉ nhận được 30% lương cơ bản trong suốt ba năm đi học Tiến sĩ nên không chấp nhận mức bồi hoàn kinh phí nói trên.

Phía nhà trường sau đó phải rút lại đơn khởi kiện với lý do thu thập, bổ sung thêm các chứng pháp lý liên quan đến nguồn học bổng.

Thực tế, tại nhiều trường, giảng viên được cử đi học vi phạm cam kết nhưng rất khó buộc họ phải bồi hoàn kinh phí.

Trước đó, trả lời báo chí, PGS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trường này đã cho thôi việc 30 trường hợp đi học nước ngoài vi phạm (chủ yếu là giảng viên đi học và ở luôn bên nước ngoài hoặc về nước nhưng không thực hiện nghĩa vụ làm việc tại trường mà ra làm riêng bên ngoài).

Trường Đại học Cần Thơ đã buộc những cán bộ của trường đi du học nhưng không thực hiện đúng cam kết ban đầu phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, trường này vẫn chưa thu được đồng nào từ khoản bồi thường đó.

Thầy Dưỡng cũng thừa nhận một thực tế là mặc dù quy định, cam kết đi học của giảng viên rất rõ ràng về việc bồi hoàn chi phí đào tạo nếu tự ý phá vỡ hợp đồng.

Nhưng thực tế việc đòi bồi thường rất khó khăn. Có nhiều trường hợp là “bất khả thi”, không có cách gì lấy lại kinh phí bỏ ra, dù chỉ là một phần.

Tác giả bài viết: An Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP