Trên đây là ý kiến của ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT thành phố về thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến 2020.
Dạy học tiếng Anh còn nặng lý thuyết, ngữ pháp
Một thống kê đang suy ngẫm là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 ở Đà Nẵng, có đến hơn 96% thí sinh thi đạt điểm 5 trở lên; nhưng triển khai kỳ thi THPT Quốc gia 2015 và 2016 vừa qua, tỷ lệ thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt điểm 5 môn tiếng Anh trở lên hạ xuống còn 24,34% và 18,14%.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, nhìn chung đa số giáo viên (GV) tiếng Anh trong các nhà trường phổ thông trên địa bàn thành phố hiện nay đã đạt chuẩn (80% trong tổng số gần 800 GV), đủ năng lực giảng dạy. Tuy nhiên, giáo trình hiện nay vẫn còn nặng tính lý thuyết, tập trung ở phần ngữ pháp; chính kỹ năng thực hành giao tiếp (nghe, nói) của GV tiếng Anh cũng còn hạn chế do môi trường thực hành tiếng Anh chưa phổ biến. Trong thực tế, việc đào tạo GV tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo đại học, cao đăng chưa thực sự hiệu quả.
Giáo trình dạy học tiếng Anh ở các trường phổ thông vẫn còn nặng lý thuyết, ngữ pháp (ảnh minh họa)
Trao đổi với PV, bà Lữ Thị Kim Hoa - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) chia sẻ tin tưởng với định hướng của Đề án Ngoại ngữ đến năm 2020, với đội ngũ GV đạt chuẩn B2 theo tiêu chuẩn Châu Âu thì việc dạy học tiếng Anh trong nhà trường sẽ hiệu quả thực sự. Còn những tồn tại hiện nay phải nhìn nhận thực tế nhiều GV lớn tuổi hạn chế trong kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngại đổi mới phương pháp giảng dạy; một số trường hợp GV chuyên ngoại ngữ khác như tiếng Nga chuyển sang dạy tiếng Anh. Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu cũng nêu lên thực tế một số trường học còn thiếu phòng chức năng để thực hành kỹ năng nghe nói.
Cần linh động, sáng tạo, đừng quá lệ thuộc giáo trình
Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách, cơ chế để giáo viên phải đáp ứng được các quy định về chuẩn năng lực mới để đảm bảo chất lượng đồng bộ. Đồng thời, cần có chính sách hoặc cho phép các trường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tăng cường học ngoại khóa tiếng Anh, tạo điều kiện cho GV bản xứ dạy tiếng Anh ngoại khóa ở các trường.
Với ý kiến đề xuất có chế độ chính sách cho GV Ngoại ngữ, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch TP đề nghị ngành GD-ĐT phải xây dựng riêng một chính sách để tăng cường năng lực cho GV ngoại ngữ sao cho thật cụ thể và có lộ trình rõ ràng, trong đó phải có nhiều giải pháp, kể cả giải pháp đối với những GV không đủ năng lực....
Về ý kiến cần tăng cường xã hội hóa trong công tác dạy-học ngoại ngữ, Phó Chủ tịch UBND TP đồng ý về mặt chủ trương, nhưng phải có yếu tố vùng miền, khu vực để các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng thụ. Ông Dũng cũng đưa ra thêm một giải pháp là tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học và mời các những người từng tham gia Đề án 922 (Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng) từng đi học ở nước ngoài về tham gia các câu lạc bộ này, cùng rèn luyện thực hành kỹ năng nghe, nói với các em học sinh.
Ông Dũng nhấn mạnh, giảng dạy tiếng Anh trong trường học phổ thông phải làm sao cho học sinh có thể nghe, nói, giao tiếp được với người nước ngoài. Muốn vậy, thì đừng quá lệ thuộc vào giáo trình, mà phải linh hoạt, sáng tạo trong phương cách dạy học làm sao để học sinh có thể thực hành nghe, nói lưu loát, mạnh dạn, tự tin giao tiếp với người nước ngoài.
Tác giả bài viết: Tâm An
Nguồn tin: