Sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM kéo theo hàng trăm ngàn công nhân nhập cư vào thành phố, cùng với đó là tăng số trẻ em tuổi mầm non. Trường lớp không đủ khiến các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng trở thành sự lựa chọn đầu tiên của các phụ huynh là công nhân.
Công nhân đi làm ca kíp, thời gian eo hẹp nên muốn gửi con ở các cơ sở mầm non gần nhà, thời gian linh hoạt, chi phí phù hợp với mức lương của họ. Hiện tại chỉ có các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ là đáp ứng được các yếu tố này, nhưng gửi trẻ ở đây đồng nghĩa với việc lo ngay ngáy về sự an toàn của trẻ.
Những cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ như Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) trở thành lựa chọn phù hợp với công nhân nhập cư lương thấp, thời gian eo hẹp. |
Số liệu thống kê cho thấy, TPHCM hiện có hơn 1 triệu công nhân lao động, đa phần là người nhập cư. Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đã có hơn 250.000 công nhân lao động, ít nhất cũng có 40.000-50.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Trong khi đó, thành phố đang triển khai 22 dự án nhà trẻ dành riêng cho con công nhân (đến năm 2020), tối đa giữ được 11.000 trẻ. Hiện đã có 14 dự án được hoàn thành, đáp ứng cho khoảng 5.000 trẻ.
Như vậy, đến năm 2020 khi 22 dự án nhà trẻ đó dự kiến hoàn thành thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu. Do đó, nếu như không có sự thay đổi trong chính sách xây dựng thêm trường mầm non đáp ứng đủ chỗ cho con công nhân thì các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ vẫn là lựa chọn hàng đầu để công nhân gửi con. Và nguy cơ bị bạo hành của những em bé vô tội này không biết khi nào mới chấm dứt. Nói như lời ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND quận 12 (TPHCM) nơi xảy ra vụ bảo mẫu cơ sở mầm non Mầm Xanh bạo hành trẻ kinh hoàng thì nhu cầu của phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh công nhân thường phải làm tăng ca, làm ca đêm, ngoài giờ..., là lý do để mầm non tư thục phát triển. Khi phát triển đến một mức nào đó, việc quản lý có kẽ hở là tất yếu.
Để giải bài toán trường mầm non cho công nhân, dân nhập cư, cần sự chung tay vào cuộc của cả hai bên chính quyền và doanh nghiệp. Vai trò của chính quyền là cung cấp đất gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để xây trường mầm non. Còn vai trò của doanh nghiệp là xây trường mầm non cho các công nhân làm việc ở công ty của mình.
Trường mẫu giáo Dona Standard dành cho con công nhân tại khu công nghiệp Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) khánh thành ngày 19/8/2017. (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM) |
Việc yêu cầu doanh nghiệp sử dụng đông lao động xây trường mầm non cho con công nhân là giải pháp tốt nhất hiện nay để giải bài toán trường mầm non cho con công nhân nhập cư bởi lẽ các nhà đầu tư không “mặn mà” với việc xây trường mầm non ngoài công lập vì cần có vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Thêm nữa, nếu có các cơ sở mầm non này mở ra thì đối tượng công nhân nhập cư cũng khó kham nổi chi phí gửi trẻ.
Theo bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM, đã đến lúc các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn cần chung tay cùng chính quyền trong việc xây dựng trường mầm non phục vụ cho con em công nhân.
“Không cần chính quyền quản lý mà chính các khu công nghiệp - khu chế xuất có thể đầu tư và quản lý luôn các nhà trẻ như vậy. Đây là điều rất tốt vì doanh nghiệp sẽ hiểu được giờ giấc làm việc của công nhân. Các anh chị công nhân sẽ an tâm hơn khi con đi học gần chỗ làm việc của mình”, bà Hoài Sơn cho biết trên báo điện tử VOV.
Theo TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, giải pháp tốt nhất cho trẻ mầm non ở các khu công nghiệp đó chính là chủ đầu tư của các công ty phải đứng ra mở lớp mầm non cho con em nhân viên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn, giáo viên có trình độ. Những cơ sở này nếu vi phạm sẽ bị kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép kinh doanh.
Một bạn đọc báo Dân trí thậm chí còn đề xuất rằng Nhà nước nên có quy định bắt buộc quy hoạch trong các khu công nghiệp phải có nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con của họ thì mới phê duyệt cấp phép xây dựng.
Trên thực tế, đến nay đã có doanh nghiệp thực hiện được việc xây trường mầm non cho con công nhân, đó là công ty Dona Standard (thuộc tập đoàn Phong Thái) ở khu công nghiệp Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai).
Ngày 19/82/17, tại khu công nghiệp Xuân Lộc đã diễn ra lễ khánh thành Trường mẫu giáo Dona Standard. Trường được xây dựng để phục vụ cho con công nhân, không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, trường không thu học phí.
Trường được xây dựng trên khuôn viên 2,4ha với mức đầu tư khoảng 3 triệu USD gồm 32 phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi, khu vực ăn uống… dành cho 1.000 con công nhân. Năm học đầu tiên 2016-2017, trường đã đón nhận 400 cháu học tại 14 lớp.
Trường mẫu giáo Dona Standard dành cho con công nhân tại khu công nghiệp Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM) |
Điểm đặc biệt của trường mẫu giáo này là được xây dựng không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm phục vụ con của công nhân công ty Dona Standard nên trường không thu học phí. Các khoản chi phí như học phí, bảo hiểm… do công ty hỗ trợ. Chỉ có khoản ăn uống là thỏa thuận với phụ huynh đóng góp 430.000 đồng/tháng để các cháu được ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa lỡ…
Không chỉ miễn phí, giờ giấc chăm sóc các cháu cũng phù hợp thời gian làm việc với người lao động tại công ty. Trường này nhận các cháu từ 6h30 sáng tới 8h tối nên người lao động có thể tăng ca vẫn yên tâm con mình có người chăm sóc.
Trước đó, vào năm 2006, tập đoàn Phong Thái cũng đã đầu tư 14 triệu USD cho dự án phúc lợi đầu tiên gồm một ký túc xá cho người lao động và một trường mẫu giáo cho con em người lao động tại địa bàn huyện Trảng Bom. Tổng số học sinh đã và đang theo học của cả hai trường là hơn 2.600 cháu.
Tác giả: Nguyên Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí