Hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết tăng từng ngày Ảnh: PV |
Hoa quả, thực phẩm giá tăng mạnh
Nhiều chợ truyền thống náo nhiệt người bán, kẻ mua. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), hiện giá bán các loại trái cây đều tăng, nhất là các loại trái cây để bày mâm ngũ quả như phật thủ, chuối, bưởi, cam. Đặc biệt, chuối xanh là loại hoa quả tăng giá mạnh nhất những ngày áp Tết với mức tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước.
Chuối xanh tăng giá chóng mặt. Chuối to, đẹp, người bán “hét” giá lên tới 200.000 - 300.000 đồng/nải. Những nải nhỏ, mẫu mã xấu thì thấp nhất là 50.000 đồng/nải. Trong khi mới tuần trước giá chỉ 100.000 - 150.000 đồng/nải.
Nếu như các đây 2 tuần, cam Canh bán tại các chợ chỉ dao động 30.000 - 40.000 đồng/kg loại đẹp nay đã tăng lên mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. Việc các loại trái cây bày mâm ngũ quả tăng giá đã kéo theo một số loại hoa quả “ăn theo” như táo xanh to có giá 60.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; xoài ngọt 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; vú sữa 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.
Bà Thu Ngọc, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Thành Công (Hà Nội) và nhiều hộ bán lẻ mặt hàng này “dự báo”, từ nay đến 30 Tết, giá trái cây sẽ còn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao cho đến ngoài Rằm tháng Giêng. Không chỉ trái cây, hoa tươi tăng giá theo đà cuối năm, mà thực phẩm cũng đã bắt đầu tăng. Tại các chợ truyền thống, giá bán thịt lợn cũng tăng nhẹ. Hiện giá thịt dọi ba chỉ ngon đã ở mức 120.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg, dự kiến từ nay đến 30 Tết giá có thể tăng lên 140.000 đồng/kg; sườn ở mức 100.000 đồng/kg và dự báo có thể lên mức 110.000 đồng/kg… Thịt bò giá 240.000 - 260.000 đồng/kg. Gà lông được bán với giá 120.000 đồng/kg, trong khi trước 23 Tết chỉ ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Quý, tiểu thương bán thịt tại chợ Bưởi lý giải, do nhiều tỉnh có dịch lợn tai xanh nên giá lợn hơi mua vào tăng. Năm nay, giá thịt lợn tăng nhiều nhất trong số các nhóm thực phẩm thiết yêu dịp Tết.
Hút khách, siêu thị mở “xuyên” tết
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết, Hà Nội có 125 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng từ ngày 5/2 (tức ngày mùng 1 Tết). Ngày 6 và 7/2 (tức ngày mùng 2 và mùng 3 Tết) có thêm 75 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng trở lại.
Cụ thể, trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên sẽ mở cửa xuyên Tết, trừ rạp chiếu phim và 3 gian hàng. Hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K cũng tiếp tục hoạt động 24/7, kể cả ngày Tết. Các siêu thị cũng tăng thời gian hoạt động trước Tết và mở cửa sớm đầu năm, thậm chí một số sẽ mở cửa ngay từ mùng 1 Tết. HaproMart sẽ phục vụ đến khoảng 19h và 22h ngày 30 tháng Chạp, nhiều cửa hàng ở khu phố cổ sẽ mở bán cả mùng 1, 2, 3 Tết. Ngày mùng 4 Tết, hệ thống HaproMart sẽ mở cửa 42 điểm bán hàng và từ ngày 5 Tết, đồng loạt mở cửa bình thường.
Từ 23 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp, các siêu thị trong hệ thống Big C hoạt động liên tục từ sáng đến 23h. Riêng ngày 30 tháng Chạp, Big C chỉ mở cửa đến 12h trưa. Hệ thống Big C sẽ hoạt động trở lại vào mùng 3 Tết. Hệ thống Vinmart và trung tâm thương mại Vincom sẽ mở cửa đến 12h ngày 30 Tết (4/2), và mở cửa trở lại vào ngày 8/2 ( tức mùng 4 âm lịch). Siêu thị Auchan hoạt động đến 17h00 ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất và mở cửa trở lại sau hai ngày.
Ngoài kéo dài thời gian hoạt động, hầu hết đơn vị đều tung một loạt chương trình khuyến mại, kích cầu, giảm từ 10% đến 50%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 đến 7%, thịt lợn 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%... |
Tác giả: NGỌC MAI
Nguồn tin: Báo Tiền phong