Xã hội

Gia đình Trịnh Xuân Thanh và 2 đồng phạm nộp 5,3 tỷ khắc phục hậu quả vụ PVC

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, gia đình 3 bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC đã chủ động tới cơ quan này nộp tổng cộng 5,3 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Biên lai nộp 2 tỷ của gia đình Trịnh Xuân Thanh tại Cục thi hành án dân sự Tp.Hà Nội (ảnh: Xuân Duy)

Ông Lê Quang Tiến cho biết, gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chủ động nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỷ đồng, gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nộp 2 tỷ đồng và gia đình Nguyễn Anh Minh nộp 1,3 tỷ đồng.

“Tổng số tiền mà gia đình 3 bị cáo đã chủ động nộp tại Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tới thời điểm này là 5,3 tỷ đồng”- ông Tiến cho hay.

Gia đình Trịnh Xuân Thanh đã chủ động khắc phục hậu quả 2 tỷ đồng.

Cục trưởng Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội chưa nhận được cáo trạng vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và tội Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì hồ sơ, quyết định... mới được chuyển tới cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án, thu hồi tài sản của các đương sự liên quan.

“Nhưng đây là số tiền mà gia đình các đương sự chủ động, tự nguyện nộp nên cơ quan thi hành án dân sự chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ khắc phục hậu quả”- ông Tiến cho hay.

Chiều 6/1, thông tin với PV Dân trí, Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng xác nhận, trước khi phiên toà diễn ra, gia đình ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp cho Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

“Thân chủ tôi, ông Trịnh Xuân Thanh, dù đến thời điểm này chưa phải là người có tội nhưng gia đình bị cáo hiểu rằng Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu PVC nên phải chịu trách nhiệm về những sai phạm, thiệt hại xảy ra tại doanh nghiệp. Một người chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của toà. Hơn nữa gia đình ông Thanh rất ủng hộ chủ trương của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”- luật sư Thiệp nói.

Gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án 2 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kê biên biệt thự số AD02-16 Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú (Nha Trang, Khánh Hoà), xe ô tô Mazda CX5 màu trắng BKS 30A-970.97 và giao cho Trịnh Hùng Cường (con trai bị can Trịnh Xuân Thanh) bảo quản.


Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký văn bản số 691/NHNN-TTGSNH đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, phong toả tài khoản, sổ tiến kiệm của vợ, chồng Trịnh Xuân Thanh cùng 2 con trai. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã rà soát, phong toả chứng khoán do Trịnh Xuân Thanh và vợ đứng tên, không cho chuyển nhượng khi chưa có yêu cầu của cơ quan điều tra.

Dự kiến từ ngày 8/1 đến 21/1, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC.

Bị cáo Đinh La Thăng bị truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 điều 16 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt 10-20 năm tù.

Cụ thể, trong vụ án này, có 22 người bị truy tố ở các tội danh khác nhau gồm:

1. Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999)

- Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN.

- Ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

- Ông Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC.

- Ông Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC.

- Ông Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC.

- Ông Nguyễn Xuân Sơn- nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.

- Ông Lê Đình Mậu - nguyên Phó trưởng Ban kế toán, kiểm toán PVN.

- Ông Nguyễn Ngọc Quý- nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

- Ông Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN.

- Ông Ninh Văn Quỳnh- nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN.

- Ông Trần Văn Nguyên- kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, thuộc PVN.

- Ông Nguyễn Quốc Khánh- nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.

- Ông Phùng Đình Thực- nguyên Tổng giám đốc PVN.

- Ông Trương Quốc Dũng- nguyên Phó tổng giám đốc PVN.

2. Tội Tham ô tài sản (điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999)

- Ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

- Ông Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC

- Ông Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng Quảng Trạch thuộc PVC.

- Ông Nguyễn Lý Hải - nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng Quảng Trạch.

- Ông Lê Xuân Khánh - nguyên Trưởng Phòng Kinh tế - kế hoạch Ban điều hành dự án Vũng Áng Quảng Trạch.

- Ông Nguyễn Thành Quỳnh - nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng.

- Bà Lê Thị Anh Hoa - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa.

- Ông Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh văn phòng PVC.

- Ông Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC.

- Ông Nguyễn Đức Hưng- nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng Quảng Trạch.

Tác giả: Thế Kha - Tuấn Hợp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP