Bạn cần biết

Ghi nhận 17 ca ho gà: Lưu ý triệu chứng mắc bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

Theo đó, trong tuần (từ ngày 8 đến 15/3), trên địa bàn TP ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà. Cả hai đều là trẻ mới 1 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Trẻ khởi phát bệnh với các triệu chứng ho, sốt, thở khò khè…

Cũng theo CDC Hà Nội, hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ nhỏ rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian như trường học, nhà ở...

Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, có hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở 3 tháng đầu đời.

Theo chuyên gia y tế, ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.

Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.

Đáng lưu ý, ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất. Ngoài ra các biến chứng thường gặp khác là biến chứng thần kinh và một số cơ quan khác như: Viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.

Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: Có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

  Từ khóa: BỆNH HÔ HẤP , HO GÀ , hà nội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP