Đây là kết quả cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu đến từ Viện Thông tin Kinh tế và Phát triển thực hiện trên 600 sinh viên (cuối năm thứ nhất và đầu năm thứ tư) tại 3 trường là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.
Theo đó, khi đánh giá năng lực ngoại ngữ bản thân tại thời điểm khảo sát, 57,5% sinh viên cho biết đã đạt trình độ B1, tương đương đạt chuẩn tốt nghiệp đại học hệ thông thường. Chỉ có 5,8% ở mức B2, nghĩa là có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc. Có đến 17% sinh viên vẫn ở trình độ A1 và 19,2% ở trình độ A2; nghĩa là vẫn ở mức dưới hoặc bằng trình độ tốt nghiệp PTTH sau 1-3 năm đại học.
Biểu đồ đánh giá trình độ năng lực tiếng Anh của sinh viên trong khảo sát |
Khảo sát trên cũng cho thấy, 89% sinh viên tìm đến các phương thức học tiếng Anh bổ sung khác ngoài chương trình của nhà trường. Trong đó, 42,4% có học thêm tại các trung tâm tiếng Anh hoặc lớp học thêm do các thầy cô tự tổ chức; 34,3% học bổ sung qua internet, tivi/đài.
“Với sự sẵn có hiện nay của internet, việc tiếp cận các chương trình tiếng Anh trực tuyến có phí hoặc miễn phí trở nên rất dễ dàng ở khắp mọi nơi. Nếu tính theo năm thì 94,7% sinh viên năm 4 chọn các phương thức học tiếng Anh khác nhau bên ngoài chương trình của nhà trường. Con số này phần nào nói lên rằng chương trình đào tạo tiếng Anh trong nhà trường chưa đáp ứng được mong đợi của các em, đặc biệt là các em năm cuối chuẩn bị tốt nghiệ” - TS Lê Phương Hòa, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Giải thích lý do phải học thêm tiếng Anh ở bên ngoài, 30,1% sinh viên khẳng định nếu chỉ học theo chương trình trong trường thì không thể đáp ứng yêu cầu đầu ra của nhà trường, 41,6% cho biết cần đạt trình độ cao hơn để đáp ứng yêu cầu xin việc.
Các sinh viên cũng cho biết chuẩn tiếng Anh của nhà trường với nhà tuyển dụng có sự khác nhau: Cần 3,3 năm để đáp ứng chuẩn của nhà tuyển dụng, trong khi chuẩn của nhà trường chỉ cần 2,9 năm.
Chỉ 48,3% sinh viên cho rằng việc dạy của nhà trường hiện nay đáp ứng được theo chuẩn đầu ra mà nhà trường quy định. Theo các tác giả nghiên cứu, điều này cho thấy các trường tuy đã đưa ra chuẩn đầu ra cho sinh viên nhưng việc đổi với dạy học lại không đồng bộ, đẩy việc đáp ứng yêu cầu học sang cho sinh viên “tự bơi”.
Mặt khác, khoảng trống giữa yêu cầu tiếng Anh của nhà tuyển dụng và chuẩn đầu ra của nhà trường vẫn còn chênh khá xa. Chỉ 38,3% số sinh viên được khảo sát cho rằng chuẩn của nhà trường có thể đáp ứng chuẩn của các đơn vị tuyển dụng và những đòi hỏi của công việc trên thực tế.
Thực tế đánh giá từ nhiều bên cũng cho thấy dù sinh viên có qua được các chuẩn cơ bản của nhà trường hiện nay nhưng kỹ năng sử dụng thành thành tiếng Anh trong công việc rất thấp.
Tác giả: Phương Mai
Nguồn tin: Báo VietNamNet