Pháp luật

Gần 20 lao động bị trục xuất về nước, Công ty Trí Đức chối bỏ trách nhiệm?

Ký hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi Rumania qua Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhân lực Trí Đức (Cty Trí Đức) với thời hạn 2 năm, nhưng gần 20 lao động chỉ làm việc được gần 2 tháng đột nhiên bị cảnh sát nước sở tại trục xuất…

Bỗng dưng bị trục xuất về nước Theo đơn phản ánh của anh Võ Đức Công (đại diện cho 16 người đi lao động xuất khẩu bị trục xuất về Việt Nam, trú tại xã Bắc Nghĩa, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết: Anh cùng 15 người được Cty Trí Đức đưa đi đóng tàu ở Rumania.

Công ty Trí Đức bị tố lừa đảo người lao động.

Để được đi lao động, trước đó, Cty Trí Đức và chủ sử dụng lao động Rumania thi tuyển tay nghề đạt yêu cầu mới được làm thủ tục XKLĐ.

Ngày 05/02/2018, mọi người được Cty Trí Đức đưa sang Rumania làm việc. Một số người được đưa đi trước hoặc sau đó mấy ngày. Tới Rumania mọi người được chủ sử dụng lao động thử lại tay nghề và tất cả đều đạt và được bố trí làm việc từng vị trí trong nhà máy.

Cũng theo anh Công, trong quá trình làm việc mọi người đều làm tốt công việc, không bị khiển trách gì, không nghỉ làm ngày nào, không vi phạm pháp luật nước sở tại cũng như nội quy của công ty.

Tuy nhiên, sáng 15/04/2018, khi mọi người vẫn đang ngủ thì cảnh sát Rumania gõ cửa phòng và yêu cầu mọi người thu xếp đồ cá nhân và chở thẳng ra sân bay để về Việt Nam.

Nhiều điểm cần làm rõ

Cũng theo phản ánh, trước lúc đi XKLĐ mọi người đã đóng cho Cty Trí Đức ngoài tiền phí XKLĐ, tiền khám sức khoẻ, tiền làm visa, tiền hồ sơ tổng cộng khoảng 60 triệu đồng.

Ngoài ra còn các khoản tiền khác như tiền học nâng cao tay nghề, tiền chi phí đi lại ăn ở từ ngày xét tuyển cho đến lúc bay. Với những khoản tiền trên mọi người đóng làm nhiều lần khác nhau nhưng chỉ có duy nhất một lần nhận được phiếu thu tiền (biên lai).

Trong quá trình làm hồ sơ, phía chủ sử dụng lao động yêu cầu phải có bằng nghề và 2 năm kinh nghiệm trong ngành nghề XKLĐ, nhưng thực tế mọi người đều không đáp ứng được yêu cầu này. Thấy tình hình đó, Cty Trí Đức đã thu mỗi lao động 2 triệu đồng để làm giả giấy tờ liên quan.

Cụ thể, mỗi lao động sẽ được cấp giấy xác nhận do ông Trần Kiên Phong — Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Xây lắp Sao Việt kí với nội dung xác nhận: “Đã có thời gian làm việc Công ty TNHH Công nghệ và Xây lắp Sao Việt từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 7 năm 2017.

Trong thời gian làm việc tại Công ty công nhân lao động đã làm việc tốt, chấp hành mọi nội quy, quy định của Công ty, hoàn thành các nhiệm vụ được giao”.

Sau khi sang Rumania làm việc, mọi người được ký lại một bản hợp đồng với chủ sử dụng lao động với mức lương cao hơn và chế độ theo luật pháp của Rumania, nhưng thực tế lương và các chế độ của mọi người chỉ được thực hiện theo hợp đồng lao động đã kí với Cty Trí Đức.

Theo đó, nhiều lao động đặt câu hỏi: “Tại sao cùng một công việc, cùng một chủ sử dụng lao động mà chúng tôi phải kí 2 bản hợp đồng với số tiền và chế độ đãi ngộ hoàn toàn khác nhau?

Tại sao không được hưởng lương và chế độ theo hợp đồng với chủ sử dụng mà lại hưởng theo hợp đồng với môi giới XKLĐ?”.

Có dấu hiệu giả mạo giấy tờ?

Ngay khi tiếp nhận thông tin, Báo PLVN làm việc với đại diện Cty Trí Đức để xác minh thông tin. Liên quan đến nội dung trên, ông Ngô Văn Toản — Trưởng phòng thị trường Cty Trí Đức cho biết: Công ty đã đưa tổng số 174 lao động sang làm việc tại Rumania theo quy định pháp luật, trong đó có 16 lao động bị chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động và trục xuất về nước.

Hiện tại có 6 lao động vi phạm hợp đồng và vi phạm pháp luật phải về nước đó là các anh: Ngô Văn Dũng, Cao Trung Tiến, Võ Đức Công, Trần Văn Thành, Phan Văn Anh, Nguyễn Xuân Hoàn với các lý do như:

Bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bị Công an bắt giữ khi cố gắng vượt biên giới Rumania bất hợp pháp; tổ chức, xúi giục và ép buộc công nhân khác tham gia đình công bất hợp pháp, tổ chức đánh bạc, tổ chức điều hành cho vay nặng lãi…

Căn cứ theo hợp đồng và các cam kết đã ký với Công ty, 6 lao động trên đã vi phạm hợp đồng và vi phạm pháp luật gây phương hại với Cty Trí Đức và chủ sử dụng lao động. Đồng thời, có 9 trường hợp lao động về nước do tay nghề yếu và ý thức kém.

Ngày 15/4/2018, người lao động về nước, Công ty đã chủ động làm việc với người lao động nhưng chưa đi đến thống nhất. Ngoài ra, Công ty đã hỗ trợ tài chính cho người lao động về quê.

Ngày 26-27/4/2018, Công ty tiếp tục mời người lao động lên giải quyết thanh lý hợp đồng, đưa ra các phương án thanh lý hợp đồng nhưng người lao động không hợp tác giải quyết.

Về hướng giải quyết, đối với 9 lao động về nước vì lý do tay nghề yếu, ý thức kém và một lao động về nước vì lý do sức khoẻ, Công ty đã và đang thanh lý hợp đồng số lao động này. Đối với 6 lao động vi phạm hợp đồng và pháp luật Công ty đang xem xét khởi kiện ra toà dân sự.

Sau khi trình bày rõ nguyên nhân lao động bị về nước, ông Toản có đưa phóng viên xem lại clip được cho là người lao động tổ chức đánh bạc.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị ông Toản chỉ 6 người trong clip thì ông Toản lúng túng và chỉ xác định được Phan Văn Anh là người đang xóc đĩa. Để lý giải cho việc 6 người vi phạm hợp đồng, ông Toản đưa ra một số thư chấm dứt hợp đồng và cho rằng đây là thông tin từ phía Rumania gửi về.

Trong quá trình trao đổi, ông Toản liên tục khẳng định Công ty mình luôn làm đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về việc cấp giấy xác nhận học nghề của người lao động thì ông Toản ngập ngừng: “Cái giấy này chỉ là giấy nhằm hợp thức hoá cho người lao động thôi chứ nó không có tác dụng gì cả vì đây chỉ là bản photo”? Vậy giấy xác nhận trên phải chăng là giả mạo?

Nói đến đây, ông Toản dịu giọng: “Buổi làm việc hôm nay anh được lãnh đạo chỉ đạo làm rõ 16 lao động bị trục xuất về nước thôi, về giấy xác nhận học nghề anh không trả lời được xin phép hỏi ý kiến lãnh đạo phản hồi sau”.

Tuy nhiên, nhiều ngày sau phóng viên gọi lại cho ông Toản làm rõ về nội dung này thì đều nhận được những lý do để từ chối.

“Từ những khoản tiền nộp cho Cty Trí Đức để đi xuất khẩu nhằm xoá đói giảm nghèo, gia đình chúng tôi phải đi vay lãi ngân hàng, bỗng nhiên lại nghèo hơn, rơi vào cảnh nợ nần.

Từ lúc trở về quê không một xu dính túi, các lao động phải chịu áp lực lời ra tiếng vào của bà con lối xóm. Chúng tôi đều là lao động chính trong gia đình mà hiện nay bị thất nghiệp. Không những thế, phía Cty Trí Đức đưa ra các lý do bởi tay nghề kém, đánh bạc, bỏ trốn...

Nhưng không hề đưa ra được bằng chứng nào, khiến người lao động chúng tôi vô cùng bức xúc. Vậy thử hỏi, trong số lao động bị đuổi về nước có những người được coi là lao động tốt thì Cty Trí Đức giải thích như thế nào?”, anh Công bức xúc.

Tác giả: Trang Ly

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP