Vừa qua, một học sinh lớp 8 ở Nha Trang, Khánh Hòa đòi tự tử sau khi bị giáo viên sỉ nhục, tát tai trước lớp. Việc giáo viên bạo hành, thờ ơ khiến học sinh tổn thương, thậm chí tự tử, từng xảy ra ở nhiều nước.
Những cái chết thương tâm
Năm 2015, nam sinh 15 tuổi ở Nhật Bản tìm đến cái chết sau khi nhà trường từ chối viết thư giới thiệu cậu thi vào trường tư thục vì trên hồ sơ lưu trong hệ thống máy tính của trường, nạn nhân từng ăn cắp vặt.
Trên thực tế, nhân viên phụ trách hồ sơ ghi nhầm tên của học sinh khác. Sau này, mặc dù đã phát hiện sai sót, họ chỉ sửa trên hồ sơ giấy nhưng không chỉnh lý thông tin trên máy tính.
Cuối cùng, sau cái chết của nam sinh, dưới sức ép dư luận, hiệu trưởng đứng ra xin lỗi nhưng rõ ràng, lời xin lỗi ấy không thể cứu vãn mất mát của gia đình nạn nhân.
Zhang Zhipeng, nam sinh 15 tuổi ở Trung Quốc, nhảy lầu tự tử sau khi bị cô giáo lăng mạ. Ảnh: Ministryoftofu.
Tháng 8/2016, nam sinh 14 tuổi Babu ở Ấn Độ cũng tìm đến cái chết sau khi bị giáo viên chửi mắng thậm tệ.
Idian Express cho hay, Babu từng báo với thầy giáo việc 3 học sinh trong lớp gây rối khi thầy không lên lớp. Để trả thù, 3 nam sinh bịa chuyện Babu lan truyền tin đồn thầy có quan hệ bất chính với 3 nữ đồng nghiệp.
Trong cơn giận, thầy giáo cùng hai giáo viên khác khiển trách nặng nề, thậm chí xúc phạm Babu khi chưa xác minh sự việc. Cuối cùng, nam sinh 14 tuổi lựa chọn uống thuốc độc tự tử tại nhà và chết trên đường đến bệnh viện.
Họ hàng nạn nhân báo vụ việc lên nhà trường nhưng 3 giáo viên trên không bị kỷ luật.
Trước đó, năm 2013, một nam sinh lớp 9 khác ở Ấn Độ tự sát do bị giáo viên đánh. Cậu bé làm gãy ghế trong phòng học. Nhà trường gọi phụ huynh lên làm việc, yêu cầu nộp phạt, đồng thời đuổi học cậu. Không dừng lại ở đó, giáo viên chủ nhiệm lớp còn dùng khăn lau, đánh đến mức tay nạn nhân sưng phồng nghiêm trọng.
10 ngày sau, nam sinh tự sát. Gia đình báo cảnh sát, yêu cầu xử phạt giáo viên và hiệu trưởng nhưng bị bác bỏ.
Hồi tháng 6 năm nay, một vụ việc đáng tiếc khác xảy ra ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, chỉ vì giáo viên không cho học sinh ngồi theo ý cậu bé.
Theo Shanghaiist, hôm đó, Xiao Wu, 12 tuổi, được giao sắp xếp chỗ ngồi cho lớp để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp. Tuy nhiên, cô giáo cảm thấy cách cậu bố trí chỗ ngồi bất tiện cho việc học bài nên yêu cầu cả lớp di chuyển về chỗ cũ.
Cậu bé 12 tuổi vẫn bướng bỉnh ngồi chỗ của mình, bật khóc rồi bất ngờ lao khỏi phòng, nhảy từ tầng 4 xuống. Cái chết này không hoàn toàn là lỗi của cô giáo nhưng nhiều người cho rằng, giá như cô biết lắng nghe và chịu khó giải thích thì chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.
Cuối năm 2013, cô bé 7 tuổi Samaya Dillard ở Mỹ cũng có ý định tự tử vì thường xuyên bị cô giáo mắng nhiếc. Trước đó, bố mẹ em đã cố gắng để làm dịu mối quan hệ giữa hai cô trò sau khi Samaya nhiều lần phàn nàn cô giáo không thích em.
Không giải quyết được vấn đề, gia đình nữ sinh đề nghị cho em chuyển lớp nhưng không thành công vì các lớp khác quá đông. Một lần, giáo viên kéo cả ghế lẫn Samaya ra khỏi phòng học, bắt em ngồi trên trên hành lang nhiều giờ liền giữa cái rét mùa đông.
Tuyệt vọng, cô bé rời trường, đi lang thang và định tự tử. Rất may, một nhân viên nhà hàng phát hiện và giữ em lại trước khi chuyện đáng tiếc xảy ra.
Khi giáo viên đẩy học sinh đến lựa chọn sai lầm
Ngày nay, học sinh tự tử hay những cái chết giảng đường là vấn đề chung của nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ. Bên cạnh nguyên nhân từ áp lực học hành, thi cử, nhiều em tìm đến cái chết vì bị bạn bè cô lập, bắt nạt hay bị giáo viên sỉ nhục, đối xử bất công.
Hiệu trưởng đứng ra xin lỗi sau sai lầm của nhân viên khiến nam sinh người Nhật Bản tự tử. Tuy nhiên, không ai bị kỷ luật. Ảnh: Japan Times.
Nói về vấn đề học sinh tự tử, tiến sĩ Christine Moutier, Giám đốc phụ trách sức khỏe tinh thần của Tổ chức Phòng chống Tự tử Mỹ, khẳng định, giáo viên đóng vai trò trung tâm trong việc ngăn cản học sinh tìm đến cái chết. Tuy nhiên, trong các vụ việc trên, các nhà sư phạm đã đi ngược lại với vai trò của mình.
Nhiều người tỏ ra thất vọng khi giáo viên, lẽ ra phải là “người mẹ thứ hai” của học sinh ở trường, lại là người dù vô tình hay cố ý, đẩy các em đến con đường không thể cứu vãn.
“Anh em tôi đều từng gặp phải giáo viên như vậy, dễ dàng nói ra những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ học sinh, thậm chí bảo chúng tôi đi chết vì quên làm bài tập hoặc thiếu tập trung. Tôi nhớ, cô từng mắng một bạn thậm tệ khi bạn ấy đưa ra thắc mắc về bài học. Đến giờ, dù tốt nghiệp đã lâu, những buổi học thời tiểu học vẫn luôn là ác mộng”, Renee Lankford, sinh viên Cao đẳng Cộng đồng Cleveland, chia sẻ.
Không chỉ là sự xúc phạm, bạo hành thể xác, sự thờ ơ của thầy cô giáo nhiều khi cũng vô tình khiến học sinh tự sát.
Tháng 8/2016, Daniel Fitzpatrick, 13 tuổi, tự tử sau khi nhiều lần báo việc em bị bạn bè bắt nạt với nhà trường nhưng giáo viên không có bất cứ hành động nào can thiệp.
Mất lòng tin ở thầy cô và bất lực trước hoàn cảnh bản thân phải chịu đựng trong thời gian dài, nam sinh người Mỹ treo cổ tự vẫn.
Đây không chỉ là trường hợp duy nhất tìm đến cái chết do sự vô tâm của giáo viên. Thầy cô và bố mẹ bỏ mặc học sinh khi bị bắt nạt khiến các em tuyệt vọng và đưa ra quyết định tiêu cực để chấm dứt sự việc.
Trên thực tế, nhiều vụ học sinh tự tử do giáo viên đánh đập, sỉ nhục không được giải quyết thích đáng.
Elizabeth R. Cook, độc giả tờ Today, bày tỏ bức xúc: “Cô giáo lăng mạ tôi nhiều lần. Nhưng kể cả khi tôi ghi âm những lời nhiếc móc đó và gửi lên ban giám hiệu, vị giáo viên kia bị đình chỉ công tác có trả lương”.
Shelli Burgan, một phụ huynh ở Mỹ, cho biết, con trai cô cũng bị giáo viên sỉ nhục ngay trước lớp. Cậu bé chán nản trong thời gian dài và kể, cậu không phải là trường hợp duy nhất. Cô giáo từng chửi một bạn khác “vô dụng, tốt nhất nên về nhà và treo cổ”. Cuối cùng, cô gặp hiệu trưởng, đề nghị trường sa thải giáo viên đó nhưng không được chấp nhận.
“Tôi không hiểu sao trường vẫn tiếp tục để giáo viên như vậy công tác. Nếu trường không thay đổi quyết định, tôi sẽ chuyển trường cho con. Tôi không muốn con mình tự tử chỉ vì sai lầm của giáo viên”, cô Burgan nói.
Tác giả bài viết: Nguyễn Sương
Nguồn tin: