Kinh tế

Đua xây cảng biển, lập khu kinh tế: "Chiếc bẫy nợ nần của đất nước"

Chuyên gia chỉ ra rằng, mức độ thiếu hiệu quả của đầu tư công là đáng báo động, nguy cơ đầu tư phân tán, duy ý chí tái diễn và gia tăng mạnh. Đầu tư công kém hiệu quả làm tăng gánh nặng và tác động tiêu cực của chiếc bẫy nợ nần lên đất nước.

Xây cảng biển, lập khu kinh tế từng được nhiều chuyên gia chỉ ra là cuộc đua "xuống đáy" của nhiều địa phương.

Trong một báo cáo mới đây, TS Lê Hải Mơ - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, những tồn tại, yếu kém cơ bản tích tụ nhiều năm trong nền kinh tế chưa được giải quyết căn bản và triệt để, có nhiều vấn đề thậm chí chưa được giải quyết; nguy cơ luẩn quẩn trong nhóm thu nhập trung bình, thậm chí nhóm thu nhập thấp vẫn hiện hữu.

Vấn đề đầu tiên được vị chuyên gia chỉ ra rằng, đầu tư, nhất là đầu tư công thiếu các suy xét cẩn trọng về hiệu quả kinh tế - xã hội, phân tán, thiếu đồng bộ, gây lãng phí nghiêm trọng. Ví dụ được kể tới là, hệ thống cảng biển dày đặc ở dọc miền Trung, có 194 khu công nghiệp, 1.643 cụm công nghiệp, 15 dự án khu kinh tế ven biển cần 2.000 tỷ USD để đầu tư, hội chứng địa phương nào cũng muốn có sân bay, cảng biển, xây dựng trụ sở, quảng trường...).

"Phần lớn các dự án đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh làm tăng quy mô vốn lớn hơn nhiều so với kế hoạch. Mức độ thiếu hiệu quả của đầu tư công là đáng báo động, nguy cơ đầu tư phân tán, duy ý chí tái diễn và gia tăng mạnh. Đầu tư công kém hiệu quả làm tăng gánh nặng và tác động tiêu cực của chiếc bẫy nợ nần lên đất nước", ông Mơ cho biết.

Theo ông Lê Hải Mơ, một tồn tại nữa là, thiếu một chiến lược hiệu quả trong khai thác, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế. Thiếu giải pháp để chuyển hóa khối lượng vốn rất lớn (ước tới 60 tỷ USD) trong dân sang đầu tư phát triển mà phải đi vay nước ngoài, phát hành trái phiếu để bổ sung cho đầu tư.

Trong khi đó, nguồn lực tài chính rất lớn của quốc gia ở đất đai, tài nguyên đất và đang bị sử dụng, khai thác bừa bãi gây tổn thất, hậu quả nghiêm trọng cho đất nước để hàng triệu ha đất hoang hóa không sử dụng hoặc bị lạm dụng, mỗi tỉnh khai thác theo một cung cách riêng, nếu sai thì rút kinh nghiệm, sửa chữa sau...

Ngoài ra, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia không hợp lý và kém hiệu quả. Tình trạng đáng báo động là phần lớn nguồn lực phát triển của đất nước lại rơi vào khu vực sử dụng kém hiệu quả nhất là doanh nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đầu tư chiếm tới 39% đầu tư xã hội, nhưng chỉ tạo ra 28% GDP và hầu như không có vai trò trong giải quyết việc làm, trong khi đó khu vực tư nhân đầu tư 38% lại tạo ra tới 43 - 44% GDP; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn gặp khó khăn, bế tắc và thua lỗ....

"Sự bất hợp lý kéo dài trong phân bổ nguồn lực phát triển; tình trạng lãng phí, thất thoát, sử dụng kém hiệu quả nguồn lực tài chính ở tất cả các lĩnh vực, khu vực kinh tế đặc biệt là ở khu vực nhà nước đã trở thành xu thế bất khả kháng và có hướng gia tăng", ông nêu.

Chuyên gia từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, rõ ràng, “chủ động tái cấu trúc nền tài chính quốc gia nhằm tạo nguồn lực và động lực mạnh cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả” là sự lựa chọn đúng để hướng tới nhiều mục tiêu chiến lược.

"Điều này sẽ giúp khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, trở thành quốc gia có tiếng nói, thực lực kinh tế - tài chính mạnh đủ sức ứng phó với sự tác động mạnh của sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới, vươn lên nấc thang phát triển cao hơn. Ngược lại chần chừ hoặc do dự, nền kinh tế - tài chính có thể lún sâu vào khó khăn, khó có thể trụ vững trước những biến động mạnh của kinh tế - chính trị thế giới và buộc phải chấp nhận vị thế thấp kém là quốc gia có thu nhập thấp", ông nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP