Vận tải cơ Y-8 đỗ trên đường băng xây dựng trái phép tại đá Subi. Ảnh: CSIS. |
Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích ảnh chụp vệ tinh hôm 28/4 cho biết một vận tải cơ Shaanxi Y-8 đã lần đầu tiên xuất hiện trên đường băng tại đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Động thái này đánh dấu việc Trung Quốc triển khai máy bay quân sự đến cả ba đường băng xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, nằm trong nhóm 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo, theo SCMP.
Tờ Daily Inquirer của Philippines tháng trước đăng những bức ảnh chụp hồi tháng 1 cho thấy hai vận tải cơ Y-7 của Trung Quốc xuất hiện trên đá Vành Khăn. Hồi tháng 4/2016, Trung Quốc cũng triển khai một chiếc Y-8 hạ cánh xuống đá Chữ Thập để sơ tán ba bệnh nhân.
"Đây là hành động phản bội trắng trợn lời cam kết không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông" mà Trung Quốc từng đưa ra, theo Richard Javad Heydarian, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Philippines.
Collin Koh, học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học công nghệ Nanyang, cho rằng việc đưa vận tải cơ đến cả ba đường băng trên đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cho các chiến dịch vận chuyển khí tài phục vụ việc quân sự hóa quy mô lớn tại Trường Sa trong tương lai.
"Điều đáng chú ý là đường băng trên các đảo nhân tạo có thể tiếp nhận vận tải cơ chiến lược Y-20, oanh tạc cơ H-6 và nhiều loại tiêm kích, hỗ trợ các chiến dịch không vận phục vụ hoạt động quân sự hóa quy mô lớn", ông Koh nhận định.
Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cải tạo trái phép các đá ở quần đảo Trường Sa, đã bị Việt Nam và nhiều quốc gia khác lên án. Trung Quốc trước đó được cho là đã triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Trong cuộc họp báo tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định "việc triển khai này không nhằm vào ai". Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó ra thông cáo đề nghị Trung Quốc rút những tổ hợp này khỏi quần đảo Trường Sa.
Tầm hoạt động của tên lửa Trung Quốc đưa ra Trường Sa. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ. |
Tác giả: Tử Quỳnh
Nguồn tin: Báo VnExpress