Trong nước

Dự thảo nghị định Luật An ninh mạng: Phù hợp với thông lệ quốc tế

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, ngày 3-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng được cân nhắc rất thận trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng khẳng định xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. "Dự thảo được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an; mời một số cơ quan, tổ chức liên quan đóng góp ý kiến" - ông Dũng nói.

Theo dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cụ thể, phải lưu trữ dữ liệu khi mở chi nhánh tại Việt Nam là những DN có hoạt động cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng.

Trước băn khoăn của dư luận về quy định nêu trên có phù hợp với các cam kết quốc tế hay không, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã viện dẫn nhiều văn bản để khẳng định yêu cầu trên là hoàn toàn phù hợp. Theo ông Quang, 18 quốc gia đã có văn bản luật quy định DN nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như: Mỹ, Canada, Trung Quốc.

Theo ông Quang, quy định trong dự thảo nghị định cũng phù hợp với khả năng của DN bởi như Google hiện nay đã đặt 70 văn phòng đại diện tại các nước, Facebook đã đặt 80 văn phòng. Ở khu vực Đông Nam Á, những DN đều đã đặt văn phòng ở các nước như: Singapore, Malaysia... Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm quy định nêu trên không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan của WTO và CPTPP. Trong đó đều có điều khoản tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.

Đối chiếu với hệ thống pháp luật trong nước, Thiếu tướng Lương Tam Quang nhận định quy định trên phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại và các văn bản liên quan. DN cung cấp dịch vụ qua biên giới như: Goolge, Facebook đang hoạt động kinh doanh, sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh các văn bản này. Hiện với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị các DN như Google, Facebook phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng điều 24 của dự thảo quy định dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng dịch vụ tại Việt Nam có nguy cơ làm lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết Luật An ninh mạng được ban hành không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân. Chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, luật mới yêu cầu DN cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó.

Theo Bộ Công an, các cơ quan chức năng, DN và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Các hành vi như: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, làm lộ bí mật cá nhân mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.

Tác giả: Minh Chiến - Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP