|
“Tôi khá ngạc nhiên sau vài năm quay lại Cồn Phụng thấy ngành du lịch Bến Tre năng động hơn so với khu vực khác của đồng bằng sông Cửu Long. Ấn tượng với tôi là sản phẩm du lịch cộng đồng homestay.Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát tôi mong sẽ lạc bước vào rừng dừa bạt ngàn, bát ngát thì thực tế chưa thấy, chỉ mới là cảm giác được lênh đênh trên sông nước. Du lịch Bến Tre cần phải làm tinh tế hơn”.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban sản phẩm mua dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel, chia sẻ tại buổi tọa đàm Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch vừa diễn ra.
Bảo tàng dừa nhưng bán đồ... thời trang
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch VietMark, chia sẻ ai cũng nhắc đến Bến Tre là xứ dừa Bến Tre nhưng thực tế tôi chưa thấy gì hết trong chuyến khảo sát của mình.
Ông Anh dẫn chứng một đoàn 600 khách của công ty sắp đi Huế, toàn bộ hướng dẫn mặc áo dài tím Huế, nón lá tạo hình ảnh đặc trưng. Bến Tre cần làm sao để hình ảnh đầu tiên ấn tượng với du khách là áo bà ba, nón lá, màu sắc chủ đạo là xanh lá dừa.
Hay khách vừa xuống bến tàu thì phải bước vào hàng dừa rợp mát, trái dừa xuất hiện mọi nơi, chứ thực tế bước xuống Bến Tre là bến tàu cũ kỹ, loang lổ…
“Tôi ao ước khám phá bảo tàng dừa độc đáo nên khi tàu vào đến Cồn Phụng, liền vào xem ngay. Nhưng khi vào bên trong nơi đây toàn bán túi xách đồ da”, ông Anh trăn trở.
Nhiều DN du lịch TP.HCM cho rằng hiện nay sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn của Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long na ná nhau. Nhiều gia đình làm du lịch theo kiểu tự phát, điều này vô tình làm mất hình ảnh thương hiệu Bến Tre chỉ vì một vài nơi không làm tốt.
Bao năm nay đến Cồn Phụng họ vẫn lặp lại hành trình ngồi thuyền gỗ nghe thuyết minh về đặc trưng xứ dừa Bến Tre, ông Đạo Dừa. Sau đó thuyền dừng lại nhà vườn uống trà mật ong, ăn kẹo dừa… Thay đổi phương tiện di chuyển khách đi bằng xe ngựa, trải nghiệm ngồi xuồng ba lá hòa mình cùng sông nước bình yên. Đến Cồn Phụng tham quan bảo tàng dừa, khám phá các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực…
Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch-Dịch vụ thương mại Cồn Phụng, ví von, du lịch Bến Tre giống như người con gái đẹp, học giỏi, thi đậu vào đại học rồi phải đi làm thêm vất vả. Chúng tôi có ý định làm bảo tàng dừa nhưng khó khăn quá. Khi làm xong nơi đó tận dụng trưng bày bán các sản phẩm thời trang bằng da để kiếm thêm thu nhập nuôi sống anh em.
“Chúng ta đã xây dựng nên sản phẩm thì cố gắng quan tâm để cho nó sống. ngành du lịch kêu gọi bà con xây dựng con đường dừa thiệt đẹp mà một năm đưa vài đoàn xuống thì làm sao bà con sống được. Chúng tôi hứa sẽ có những sản phẩm độc đáo lạ để bán cho du khách” - ông Thông tha thiết đề nghị.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Thông chia sẻ nếu du khách muốn khám phá trải nghiệm sản phẩm độc đáo cần vài ngày đi vào sâu các huyện. Hiện nay Bến Tre có lễ hội dừa rất lớn, có những con đường dừa rất đẹp, những vườn dừa. Thậm chí là chợ ghe buôn bán dừa tấp nập chứ không phải Bến Tre chỉ có Cồn Phụng.
Người dân Bến Tre đã quan tâm làm du lịch nên nếu du khách muốn khám phá vườn cây trái nổi tiếng thì đến xã Tân Phú, vùng chợ Lách là làng cây kiểng, hoa kiểng nổi tiếng. Hay xã Vĩnh Thành là vùng đặc thù vừa có hoa vừa có kiểng, thân kiểng lá, cây con.
Bảng tàng dừa còn là nơi bán sản phẩm thời trang. |
Rất hài lòng nhưng không quay lại
Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng phát triển sản phẩm khối inbound Công ty lữ hành Saigontourist, cho biết vài chục năm nay, Saigontourist chưa nhận được bất cứ sự than phiền nào của du khách từ món ăn đến dịch vụ khi đến du lich Bến Tre. Nhưng du khách chỉ đến một lần mà không quay trở lại, họ chấp nhận chi tiêu vì ở đây chi phí quá rẻ.
"Ở góc độ DN rất mừng vì có giá tốt để quảng cáo cho du khách nhưng tỉnh không thu được nhiều tiền. Rõ ràng Bến Tre có doanh thu là từ khách quốc tế đến nhiều. Thực tế trên Cồn Phụng, chưa có sản phẩm cao cấp, cái thiếu của Bến Tre chưa có sản phẩm cao cấp để thu được tiền của du khách” - bà Ly nói.
Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bến Tre thừa nhận tỉnh chưa có các sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách. Phần lớn các DN cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh với hình thức hộ gia đình. Chưa có DN lớn hạt nhân giữ vai trò dẫn dắt. Để khai thác thế mạnh thì việc liên kết với các tỉnh là quan trọng và cần thiết trong đó có TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Phong cho biết để tránh trùng lắp so với các tỉnh bạn, tỉnh cần đầu tư nhiều hơn Bến Tre với đặc điểm là có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Do đó, sẽ tập trung phát triển thành tour tham quan sinh thái miệt vườn gắn với các di tích quốc gia đặc biệt, như di tích Đồng Khởi, di tích mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu… Nếu không du khách sẽ thấy đi đâu ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể gặp du lịch sinh thái.
Năm 2017, Bến Tre đón 1,2 triệu lượt khách chiếm 40% là khách nước ngoài đứng đầu trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khách đi theo tour ngắn ngày thời gian lưu trú ít ỏi rơi vào Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng du lịch homestay thì khách lưu trú dài ngày đa dạng thị trường chủ yếu là khách Đức, Mỹ, Canada… tỉnh yên tâm ở nhóm khách này khi chiếm 35-40% tổng lượng khách quốc tế. |
Tác giả: TÚ UYÊN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM