Du lịch

Du lịch trên sông Hàn: Vẫn còn chắp vá

Sau sự cố tàu Thảo Vân 2, thành phố Đà Nẵng và ngành chức năng đã lên kế hoạch để chuyên nghiệp hóa đội tàu trên sông Hàn để từng bước thay đổi diện mạo du lịch đường sông, mang lại nhiều dịch vụ hấp dẫn, đánh thức những tiềm năng sẵn có.

Tuy nhiên, ngoài một con tàu được gọi là “5 sao” khai trương xong rồi âm thầm rút lui, hiện chỉ còn 2 du thuyền được coi là sản phẩm nổi bật, số còn lại dù được cấp phép hoạt động cũng trong tình trạng chắp vá, rất khó để làm du lịch chuyên nghiệp.

Đội tàu du lịch trên sông Hàn hầu hết được cải hoán từ tàu cá.

Tàu chục tỷ hoạt động cùng tàu cải hoán

Vào tháng 7-2015, du thuyền Harems 2 do Cty CP Đầu tư Hoàng Gia làm chủ đầu tư đã chính thức hạ thủy tại cảng Sông Hàn.

Được coi là đạt chuẩn 5 sao của Châu Âu, con tàu du lịch này được kỳ vọng sẽ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại địa phương, tạo cho du khách những trải nghiệm khi đến với thành phố bên bờ sông Hàn.

Thế nhưng sau màn ra mắt hoành tráng, tàu Harems 2 đã âm thầm biến mất trên sông Hàn với lý do hạ tầng chưa đủ đáp ứng, các tour du lịch đường sông cũng chưa tương xứng với phân khúc du khách mà tàu này hướng tới khai thác dẫn đến hoạt động không hiệu quả.

Và một thời gian dài sau đó, du lịch trên sông Hàn vẫn không thay đổi được diện mạo với phần lớn là những con tàu cải hoán, được thiết kế lại để khai thác một số tour ngắn, chủ yếu là... ngắm sông!

Ngay sau sự cố tàu Thảo Vân 2, chính quyền và ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã quyết liệt siết chặt hoạt động du lịch đường sông. Ngoài việc tổng kiểm tra chất lượng, “loại khỏi đội hình” một số tàu cải hoán không đảm bảo chất lượng, thành phố cũng yêu cầu đội tàu du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ để đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, trong số 23 tàu được cấp phép hoạt động hiện nay thì cũng còn một số tàu nhìn vẻ bề ngoài chưa thoát khỏi vỏ bọc tàu cá, chỉ khác là được sơn lại, nâng cấp thêm khung, mái che, thêm mấy hàng ghế, hàng áo phao.

Trong bối cảnh đó, đầu năm 2017, Cty CP Đóng tàu Bảo Duy đã hạ thủy và đưa vào hoạt động tàu du lịch Merryland có vỏ làm bằng chất liệu composite đầu tiên của TP Đà Nẵng, cũng là tàu du lịch kiểu 2 thân duy nhất hiện nay trên sông Hàn.

Với chiều dài gần 20m, rộng 8,3m, nội thất đạt tiêu chuẩn 5 sao, tàu có sức chứa 144 hành khách trên 3 tầng. Với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, đây được đánh giá là một sản phẩm du lịch đẳng cấp đón đầu khai thác dịch vụ trên sông Hàn. Ông Nguyễn Quang Kỳ - Tổng Giám đốc Cty CP Đóng tàu Bảo Duy cho biết: “Không dễ để tính chuyện thu hồi vốn trong một thời gian ngắn nhưng chúng tôi đi trước đón đầu với những tiềm năng có thể nhìn thấy được về du lịch đường sông Đà Nẵng.

Nếu có quy hoạch đồng bộ, phát triển mỗi con tàu du lịch như một sản phẩm độc đáo, riêng biệt thì sông Hàn chắc chắn sẽ sôi động hơn. Chỉ dịp Lễ hội pháo hoa thôi, tàu chúng tôi đã “cháy vé” trước mỗi đêm trình diễn. Điều đó nghĩa là du khách có nhu cầu thực sự, vấn đề là chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp đến đâu thôi”.

Ngay sau sự ra đời của Merryland, một tàu du lịch đẳng cấp khác là tàu RV. Han Princess của Cty TNHH MTV Du thuyền Viet Princess – Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động trên sông Hàn. Con tàu này cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn 5 sao, có chiều dài 50m, rộng 10m và cao 7m gồm 3 tầng, có sức chứa 198 khách, tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Tàu được đóng ở thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9-2016 và đưa ra Đà Nẵng cuối tháng 4-2017, hiện tại khai thác hai tour du lịch trên sông Hàn gồm “Hoàng hôn sông Hàn” và “Ngắm sông Hàn về đêm”.

Theo ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, việc các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư đóng mới tàu để khai thác các dịch vụ gắn liền với vẻ đẹp của sông Hàn cho thấy tiềm năng để phát triển du lịch đường sông của thành phố là rất lớn.

Khách du lịch đến Đà Nẵng để ngoài trải nghiệm biển, núi, du lịch sinh thái sẽ có thêm lựa chọn để ngắm hai bên thành phố, khám phá các điểm đến bắt đầu từ sông Hàn. “Sự ra đời của tàu Merryland và RV. Han Princess chắc chắn sẽ tạo sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, tạo làn sóng để các doanh nghiệp khác bắt tay làm mới mình.

Bên cạnh sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ khảo sát, xây dựng thêm các tour để làm đa dạng sản phẩm du lịch đường sông mà Đà Nẵng đang có nhưng chưa được đánh thức”, ông Cường cho hay.

Tàu du lịch RV. Han Princess khai thác du lịch trên sông Hàn.

Tầng thượng của tàu du lịch RV. Han Princess vừa được đưa vào khai thác.

Khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực, tầm nhìn

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Du lịch, hiện có 23 tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên sông Hàn, trong số này vẫn còn nhiều tàu cải hoán. Để hướng tới chuyên nghiệp hóa du lịch đường sông, mới đây UBND thành phố đã ban hành văn bản liên quan đến việc cấp phép tàu du lịch hoạt động trên sông, biển.

Văn bản được ban hành theo đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng. Theo đó, các tàu đã được cấp phép hoạt động đến ngày 1-11-2016 trên tuyến thủy nội địa sông Hàn – cầu Trần Thị Lý được gia hạn hoạt động đến hết ngày 31-12-2017. Từ cuối năm 2016, UBND TP Đà Nẵng không cho phép đóng mới tàu du lịch có sức chở dưới 50 khách, chỉ sử dụng các tàu đã cấp phép để hoạt động cho đến hết ngày 31-12-2017.

Văn bản nêu rõ, từ ngày 1-1-2018, các tàu đã được cấp phép có sức chở dưới 50 khách phải chấm dứt hoạt động trên tuyến sông Hàn – cầu Trần Thị Lý để sắp xếp, bố trí hoạt động trên các tuyến sông còn lại phù hợp với quy hoạch đã duyệt. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch trên tuyến sông Hàn – Cầu Trần Thị Lý và các tuyến: Sông Hàn - cửa biển – Bán đảo Sơn Trà, sông Hàn – Hòn Chảo, sông Hàn – Cù lao Chàm phải thực hiện đóng mới tàu du lịch có sức chở và kiểu dáng theo mẫu tàu được UBND TP duyệt.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, dòng sông Hàn của Đà Nẵng rất quý giá, nơi đây tập trung các giá trị thương mại, du lịch, cảnh quan cũng như không gian văn hóa, thiên nhiên.

Hiện nay, tại khu vực sông Hàn, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí còn khá khiêm tốn, do đó trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư, nghiên cứu những hình thức thực sự phù hợp với cảnh quan để khai thác hết mọi tiềm năng. Từ đó giúp người dân hưởng thụ những giá trị văn hóa trên sông cũng như cảnh quan hai bên bờ sông.

Ông Thơ cho rằng, các phương tiện phục vụ du lịch trên sông hiện nay chủ yếu là các tàu được cải hoán từ những tàu cá cũ, còn thô sơ, đơn giản, chất lượng dịch vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách, chưa khai phá hết tiềm năng của sông Hàn chưa xứng đáng với tiềm năng của sông Hàn.

“Chính vì vậy, thành phố cần và sẽ tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực, tầm nhìn, khả năng quản trị thật tốt để đưa về đây những sản phẩm đẳng cấp, những dịch vụ chất lượng, để thu hút du khách và đánh thức tiềm năng về du lịch đường sông của Đà Nẵng”, ông Thơ nhấn mạnh.

Tác giả: CÔNG KHANH

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP