Ảnh minh họa. (Ảnh: Phú Cường). |
Sở GTVT Quảng Bình vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc chủ trương điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh.
Theo đó, Sở GTVT Quảng Bình trong vai trò chủ đầu tư kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh là 33,934 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành toàn bộ công trình.
Trước mắt, do chưa duyệt phát sinh chi phí dự phòng của gói thầu và Dự án nên Sở GTVT Quảng Bình kiến nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư các dự án; trong đó điều chuyển giảm tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 1 là 7,807 tỷ đồng để bổ sung cho Dự án thành phần 2 thực hiện nhằm hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2023.
Sau khi Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh được bố trí bổ sung kế hoạch vốn Sở GTVT Quảng Bình sẽ tiến hành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định.
Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh được Bộ GTVT phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các Quyết định: số 1514/QĐ-BGTVT ngày 13/8/2021 và số 1812/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2022 với tổng mức đầu tư 474,78 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giao cho Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 10,82 km, gồm Dự án thành phần 1 - đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn có tổng mức đầu tư 418,8 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 – đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng mức đầu tư 55,9 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT Quảng Bình, hiện tại cả 2 dự án thành phần đang được chủ đầu tư tích cực chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công tại hiện trường, đến nay phần xây lắp của dự án đã thực hiện được khoảng 30% giá trị công trình, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ GTVT.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, do một số nguyên nhân khách quan như thực tế kết quả trích đo chỉnh lý địa chính cần phải thu hồi thêm đất ở; cần bố trí tái định cư tập trung do một số hộ dân đề nghị bồi thường bằng đất ở; giá bồi thường đất ở tăng và quy định về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng có sự điều chỉnh tăng lớn so với thời điểm lập dự án; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến có tính chất kỹ thuật phức tạp như hệ thống đường dây điện 500kV, 220kV đã làm tăng chi phí) nên dẫn tới chi phí giải phóng mặt bằng tăng so với dự kiến ban đầu (khoảng 52,785 tỷ đồng) làm tăng tổng mức đầu tư Dự án đã duyệt lên 508,7 tỷ đồng.
Trên cơ sở kế hoạch vốn trung hạn đã bố trí cho Dự án là 474,78 tỷ đồng và tổng mức đầu tư của các dự án thành phần được duyệt; sau khi cân đối, dự kiến sử dụng phần chi phí dự phòng còn lại và phần chi phí chênh lệch của các hạng mục công việc sau khi duyệt điều chỉnh dự toán để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (khoảng 18,851 tỷ đồng), Sở GTVT Quảng Bình cho biết, phần kinh phí còn thiếu để thực hiện hoàn thành Dự án do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng là 33,934 tỷ đồng.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo Đầu tư